Báo cáo của Bộ Tài chính: Công ty sữa lãi lớn nhờ tăng giá

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Việc tăng nhanh giá sữa thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp có lãi khoảng 23% trong năm 2013, theo báo cáo của Bộ Tài chính.

 Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm khi kê khai giá sữa. Nguồn: vnexpress.net
Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm khi kê khai giá sữa. Nguồn: vnexpress.net

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa báo cáo Chính phủ kết quả thanh tra về giá sữa đối với 5 doanh nghiệp lớn, chiếm 90% thị phần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty trách nhiệm hữu hạn dinh dưỡng 3A, Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Công ty HH FrieslandCampina Việt Nam và Công ty Mead Johnson Việt Nam). 

Với nội dung chấp hành pháp luật về giá, đội kiểm tra liên ngành cho biết có 3 công ty kê khai và đã tăng giá. Trong đó Mead Johnson có 16 trong số 24 sản phẩm đã tăng từ 12/12/2013 với mức 11-30%. Vinamilk đã tăng giá 32 sản phẩm với mức từ 7-14%; Nestle cũng đã tăng từ 5-9% đối với 11 trong tổng số 24 sản phẩm. Có 2 công ty đã kê khai nhưng đến 14/4 vẫn chưa tăng là công ty 3A và FrieslandCampina Việt Nam.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra phát hiện việc kê khai giá của Nestle có các sai phạm như 3 sản phẩm chưa kê khai giá, trên 10 loại khác tăng giá trước khi kê khai. “Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu giải trình kê khai giá nhưng công ty vẫn thực hiện tăng giá bán. Số tiền chênh lệch giá bán của 11 sản phẩm này từ tính từ tháng 2 đến hết tháng 3/2014 là hơn 5,2 tỷ đồng”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Theo kết quả thanh tra, một trong những chi phí bất hợp lý thấy rõ nhất là chi cho quảng cáo rất cao. Bộ Tài chính cho biết đối với những vi phạm hành chính thì các cơ quan thanh tra đã tiến hành xử phạt. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tính toán để thu thuế lợi tức đối với các doanh nghiệp này.

Từ kết quả nói trên Bộ Tài chính cho rằng cần thiết có quy định khống chế giá trần có thời hạn với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ Tài chính kiến nghị hai phương án áp giá trần. Một là đăng ký giá và áp giá bán tối đa trong thời gian 6 tháng kể ngày ngày có quyết định bình ổn giá. Cách thứ hai là đăng ký giá bán trong 6 tháng và giá bán tối đa trong 12 tháng. 

Tuy nhiên, cách tính giá trần cụ thể thế nào thì Bộ vẫn đang cân nhắc trên những thông số về chi phí của 5 doanh nghiệp nói trên.

Bộ Tài chính khẳng định quy định như thế là hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành và cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy, Malaysia họ cũng quy định sữa là một trong 14 mặt hàng mà khi tăng giá phải được Bộ Thương mại đồng ý. Trong khi các nước như Mỹ, EU đều có trợ giá với sản phẩm sữa.

“Việc quy định giá trần vẫn đảm bảo một mức lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp, lại vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, việc tăng giá sữa như vậy là quá cao cũng như mức lợi nhuận mà các công ty sữa thu về là khá lớn. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ sự đồng tình đối với kiến nghị để bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mà Bộ Tài chính trình bày.