Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Bình Minh

Để cải cách một cách toàn diện, thu hút người lao động, doanh nghiệp tham gia vào các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó, đặt ra mục tiêu đến 2021 có khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2018, số người tham gia BHTN là 12,13 triệu người. Nguồn: internet
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2018, số người tham gia BHTN là 12,13 triệu người. Nguồn: internet

Tăng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đánh giá việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia BHTN là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia BHTN là 11,7 triệu người với số thu là 13.517 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2018, số người tham gia BHTN là 12,13 triệu người; số thu toàn Ngành lũy kế đến hết tháng 10/2018 là 12.417 tỷ đồng; chi Quỹ BHTN là 7.497 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng tháng 10/2018, BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Lao động, thương binh và xã hội giải quyết cho 63.210 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 3.812 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, giải quyết cho 597.577 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 31.186 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua, số người tham gia BHTN đã tăng hơn so với trước do một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động như sản xuất đồ uống; dệt, in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thoát nước và xử lý nước thải. Cùng với đó, không ít quy định mới tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với những hỗ trợ từ Quỹ BHTN, góp phần “phủ sóng” đối tượng tham gia BHTN tại nhiều địa phương.

Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, trước khi Luật Việc làm có hiệu lực năm 2015, số người tham gia BHTN là khoảng 1,7 triệu người nhưng đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, số người tham gia BHTN là 2,1 triệu người, tăng 12% so với năm 2015. Bình quân, mỗi năm, BHXH TP. Hồ Chí Minh giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 126.000 lượt người, tức là khoảng 10.000 lượt người/tháng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Ý thức chấp hành pháp luật BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa cao, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng lớn của người lao động vào Quỹ BHTN; doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, chưa quan tâm đến quyền lợi BHTN đối với người lao động; sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHTN còn hạn chế, không thường xuyên…

Giải pháp thu hút người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Để mở rộng diện bao phủ BHTN trong thời gian tới, ngành BHXH cần phối hợp thường xuyên cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về BHTN. Khi phát hiện có hành vi sai phạm, cần có chế tài xử lý kịp thời và thích đáng.

Cơ quan BHXH cần đẩy mạnh tuyên truyền tới doanh nghiệp, người lao động hiểu, nhận thức đầy đủ và tuân thủ theo quy định của pháp luật về BHTN. Đặc biệt, phải làm sao để người sử dụng lao động nhận thức rõ trách nhiệm của họ khi tham gia BHTN chính là bảo đảm nguồn nhân lực ổn định cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để kiểm soát rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng Quỹ BHTN, một số chuyên gia kiến nghị, có thể sử dụng mã vạch trong trợ cấp BHTN cho người lao động, từng bước rút ngắn thời gian chi trả quyền lợi cho người lao động. Theo đó, khi người dân đăng ký hưởng trợ cấp sẽ được cấp mã vạch riêng, mã vạch này sẽ giúp cho công tác đọc dữ liệu thuận tiện hơn.

Mặt khác, thông qua mã vạch này, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể nhanh chóng chuyển danh sách cho BHXH tỉnh rà soát và phản hồi kịp thời. Giải pháp này không chỉ tạo niềm tin cho người lao động vào các chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.