Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,23% so với cùng kỳ

Gia Hân

Trong nửa đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm ước đạt 94.484 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này cho thấy công tác quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm ngày càng phát huy hiệu quả và thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Thị trường bảo hiểm nửa đầu năm 2022 có nhiều triển vọng.
Thị trường bảo hiểm nửa đầu năm 2022 có nhiều triển vọng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 94.484 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.055 tỷ đồng (tăng 13,58% so với cùng kỳ năm trước); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.429 tỷ đồng (tăng 14,50% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả khả quan này cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đã vượt qua được những khó khăn, thách thức của bối cảnh thế giới và trong nước, dù tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều chuyển biến khó lường. Hơn nữa, kết quả trên còn cho thấy, thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa phát triển ổn định, bên vững trong thời gian tới.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trên thị trường hiện có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với tổng tài sản ước đạt 744.877 tỷ đồng (tăng 21,03% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 106.519 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 638.358 tỷ đồng.

Trong thời gian quan, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 88/TTr-BTC ngày 20/4/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành việc xây dựng chính sách về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và chính sách bảo hiểm nông nghiệp, như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/03/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp...

Chiến lược Tài chính đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3-3,5% GDP.

Trong thời gian tới, với mục tiêu vận hành và phát triển thông suốt thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ chú trọng đẩy mạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp luật cho sự phát triển của thị trường theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị. Cùng với đó,  tiếp tục nâng cao tính minh bạch, hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững...

Đồng thời, khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm, đa dạng hóa các kênh phân phối; Tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Nhà nước cũng sẽ có cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thiên tai, nông nghiệp...