Bắt bệnh giúp doanh nghiệp không chết yểu

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Để doanh nghiệp khởi nghiệp không "chết yểu", các chính sách của Nhà nước cần đi vào giải pháp cụ thể, hỗ trợ giúp doanh nghiệp tránh các sai lầm trong kinh doanh. Đồng thời, bản thân người khởi nghiệp đừng nghĩ rằng việc mở doanh nghiệp là con đường trải thảm hoa mà là con đường khó khăn nhất, cần sự chuyên nghiệp, nghiêm túc học hỏi.

Người khởi nghiệp cần học từ thành công của người khác để tìm ra con đường cho riêng mình chứ không sao chép. Nguồn: Internet
Người khởi nghiệp cần học từ thành công của người khác để tìm ra con đường cho riêng mình chứ không sao chép. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp (DN) "sinh ra và chết đi" không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân như do cơ chế cản trở, sự biến động thường xuyên của chính sách và sự yếu kém của chính chủ DN…

Hỗ trợ chưa trúng

Theo ông Quang Minh, Chủ tịch – Tổng Giám đốc CTCP Bizen Việt Nam, hiện nay, cơ chế chính sách có nhiều khuyến khích, cởi trói cho DN khởi nghiệp nhưng không đi vào chiều sâu, chưa thực sự chạm tới mong muốn và đem lại hiệu quả cho DN. Nhà nước khuyến khích khởi nghiệp nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ cho người khởi nghiệp tránh sai lầm. Trong khi đó, nếu sai lầm chắc chắn sẽ thất bại.

Ông Minh cho rằng cơ quan quản lý cần phải thấu hiểu nguyên nhân gốc khiến DN khó khăn, không phải chỉ hỗ trợ hô hào bằng khẩu hiệu, mà cần đi vào giải pháp cụ thể, hỗ trợ DN tránh các sai lầm không đáng có.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong số 700.000 DN đăng ký chính thức đang hoạt động, theo tiêu chí của Việt Nam, DN lớn chỉ chiếm 0,65%, DN cỡ vừa 5,85%, còn lại 93,5% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Nếu tính theo tiêu chí của thế giới và nếu tính cả khu vực hộ kinh doanh cá thể, tỷ lệ DN nhỏ và siêu nhỏ còn lớn hơn nhiều. Do quy mô nhỏ, không có được lợi thế về quy mô nên chưa có được một cộng đồng DN mạnh.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc như DN khởi nghiệp chưa biết làm gì mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể.

Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Không phải Nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển.

Trong khi đó, bà Linh Phạm, đại diện của Logivan, chia sẻ sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào các startup mới ở Việt Nam do nhiều startup Việt không sử dụng được tiếng Anh. Do vậy, cần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo như là một môn học tại các trường đại học, cần có một giáo trình đào tạo bài bản. Đồng thời, cần một bộ chuyên về startup để giải quyết các vấn đề cho các DN khởi nghiệp.

Theo các chuyên gia và DN, bản thân mỗi DN khởi nghiệp cũng cần phải nỗ lực. Ông Minh chia sẻ, người khởi nghiệp đừng nghĩ rằng việc mở DN là con đường trải thảm hoa mà là con đường khó khăn nhất, nó không còn là một nghề mà là một nghiệp của đời người.

"Hãy khởi nghiệp khi có sự say mê, nghiêm túc tìm hiểu nó. Ở Mỹ, 30 tuổi người ta mới khuyến khích khởi nghiệp. Ở Việt Nam, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp sớm là điều cần cân nhắc. Khi chưa đủ trải nghiệm thì các bạn phải trải nghiệm, chưa làm thợ chớ đừng đòi làm thầy, đừng ngộ nhận để đốt cháy giai đoạn khởi nghiệp", ông Minh nói.

Không đốt cháy giai đoạn

Theo ông Minh, những người muốn khởi nghiệp phải tích cực đi học, trao đổi, phải học từ thất bại của người đi trước để không thất bại, học từ thành công để suy ngẫm và tìm ra con đường của riêng mình thay vì sao chép lại thành công của người khác. Đặc biệt, người khởi nghiệp phải biết tận dụng tốt tất cả nguồn lực mà mình đang có.

Trước phản ánh nhiều DN khởi nghiệp hiện nay lo lắng vì bế tắc khi tiếp cận nguồn vốn, ông Minh cho rằng lâu nay DN thiếu vốn thường nghĩ ngay tới chuyện đi vay, trước hết vay người thân, bạn bè (chỉ vay 1 – 2 lần), sau đó nghĩ tới chuyện vay ngân hàng nhưng lại gặp quá nhiều rào cản vì không có tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, một nguồn vốn rất lớn mà DN bỏ qua là huy động vốn từ nhà đầu tư, kể cả trên thị trường chứng khoán, nhưng có một "điểm chết người" mà DN không biết tới hoặc không làm được là quản trị DN rất kém.

Tính minh bạch trong hoạt động DN, báo cáo tài chính kế toán không rõ ràng, không có khả năng quản trị hoạch định – chiến lược, chỉ trong đầu CEO, dẫn tới nhà đầu tư không biết rằng DN sẽ đi đâu, phát triển như thế nào trong tương lai nên quyết định không đầu tư.

"Chủ DN phải nâng cao trình độ của mình, minh bạch rõ ràng hóa tất cả hoạt động kinh doanh – đây là bí quyết để DN giải quyết các vấn đề của mình", ông Minh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng Văn phòng Hội Kế toán công chúng Anh quốc (ACCA) Hà Nội, kể lại câu chuyện: "Có những người khởi nghiệp lên chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ và được giới đầu tư mạo hiểm chấp thuận rót vốn đầu tư, nhưng sau đó tìm đến chúng tôi. Họ tiết lộ rằng không biết nói chuyện, giải thích với nhà đầu tư thế nào về kế hoạch tài chính của DN mình. Cuối cùng, nhà đầu tư quyết định không rót vốn".

Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, bà Lê Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc CTCP Thương mại Danny, cho rằng sự minh bạch trong kinh doanh, báo cáo tài chính đủ tin cậy chính xác là công cụ để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

"Khi bắt đầu kinh doanh, DN phải có chiến lược, kế hoạch rõ ràng. Dù quy mô nhỏ, DN cũng phải thể hiện mình làm ăn chuyên nghiệp, luồng tiền chính thống đi qua tài khoản ngân hàng. Đây là sự minh chứng rõ ràng khả năng trả nợ của mình. Nếu ngân hàng không cho vay thì có thể kêu gọi đầu tư từ bên ngoài", bà Vân chia sẻ.

Ngoài ra, bà Vân cũng cho rằng hiện nay, đa phần các DN khởi nghiệp mới chỉ nhìn đầu ra chứ chưa nhìn đầu vào, nghiên cứu thị trường rồi về tạo ra sản phẩm hoặc mua hàng để bán. Tuy nhiên, đến khi có thị trường, DN lại đối mặt tình trạng thiếu hàng để bán do đứt nguồn cung…

Chính vì vậy, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa phía Bắc (TAC), cho rằng trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, DN gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc điểm quy mô nhỏ của mình.

Mỗi DN gặp những vấn đề nội tại, khó khăn riêng, rất khác nhau. Vì vậy, DN cần phát hiện, xác định vấn đề của mình, từ đó có định hướng giải quyết một cách triệt để thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn của chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới, tối ưu nguồn lực để phát triển bền vững.

"Chính phủ kiến tạo – nhân dân khởi nghiệp – cải cách thể chế và nâng cấp DN" cần là những việc song hành để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Về phần mình, cộng đồng DN một mặt cần chung tay với Chính phủ trong việc tiếp tục hiến kế thúc đẩy cải cách thể chế, mặt khác phải xuất phát từ tầm nhìn phát triển bền vững để định vị lại chiến lược, cơ cấu lại quản trị, nâng cấp các hoạt động đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, hướng tới các chuẩn mực toàn cầu.