Bất động sản "đứng yên", người mua biết cậy vào ai?
Trước đây, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho rằng, nếu cầu Nhơn Trạch nối với quận 9, TP. Hồ Chí Minh chưa triển khai, sân bay Long Thành không sớm hình thành, kết cấu hạ tầng khác nối với TP. Hồ Chí Minh chậm thực hiện thì Nhơn Trạch giống như một ốc đảo.
Dù gần đây thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) được nhìn nhận có dấu hiệu tái khởi động nhờ vào những thông tin về sân bay Long Thành nhưng không phải ở đâu "hơi nóng" cũng tràn về.
Ngay trung tâm Nhơn Trạch, ở thời điểm này, một số hạng mục như nhà phố, căn hộ dù đã hình thành nhưng vẫn không có sức sống do vắng "hơi người".
Từng là nơi tập trung nhiều bất động sản tỷ đô của nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, nhưng đến cuối năm 2014, Nhơn Trạch gần như chỉ còn Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch (thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa) trụ lại với khu đô thị Đông Sài Gòn quy mô 942ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Còn các nhà đầu tư ngoại đã nói lời chia tay khi đoán định được khả năng triển khai chậm các công trình hạ tầng kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với khu vực này.
Cũng trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản, tỉnh Đồng Nai từng ra quyết định thu hẹp quy mô dân số TP. Nhơn Trạch từ 600.000 dân xuống còn 300.000 dân đến năm 2020 để phù hợp với thực tế phát triển của khu vực. Song, quyết định này có vẻ đã chậm hơn so với phương án "đi tắt đón đầu" của các nhà đầu tư thứ cấp khi họ đã bỏ tiền vào và gần chục năm nay cũng quen với việc "chờ tiềm năng".
Gần đây, những thông tin đại loại như cầu Cát Lái nối quận 2, TP. Hồ Chí Minh với xã Phú Hữu, Nhơn Trạch đã được phê duyệt xây dựng nhưng thực tế thị trường cho thấy, chỉ một số đất phân lô bán nền nhỏ lẻ nằm ngay các khu dân cư hiện hữu ở Phú Hữu mới có thanh khoản, trong khi tình hình ở Nhơn Trạch chưa mấy khởi sắc.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp kinh doanh đất nền ven TP. Hồ Chí Minh, một số khu vực có thanh khoản tốt và giá trị gia tăng theo thời gian khi có hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, tiện ích nội ngoại khu về cơ bản phải hoàn thiện, bởi đây là những yếu tố để nhanh chóng thu hút dân cư về sinh sống.
Song, để làm được điều này, không chỉ doanh nghiệp mà còn phải có sự tác động từ mặt quản lý xây dựng, quy hoạch. Như TP. Nhơn Trạch là một ví dụ. Sự thay đổi về mặt quy hoạch tổng thể, sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng hạ tầng kết nối đã khiến các nhà đầu tư thứ cấp lẫn doanh nghiệp triển khai dự án phải "dở khóc dở cười".
Nói như lời một diễn giả tham gia Hội thảo Đầu tư bất động sản Đồng Nai hồi tháng 9 năm ngoái thì nếu chủ đầu tư không triển khai dự án theo đúng cam kết với người mua, khách hàng có thể kiện, nhưng nếu dự án đứng yên, sản phẩm khó giao dịch vì quy hoạch thay đổi hoặc không phù hợp với tình hình thực tế thì người mua biết cậy vào ai?