Bất động sản Việt Nam trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại
Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail… là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) ở các phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở và công nghiệp.
Theo Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS), hoạt động M&A duy trì sự quan tâm trong suốt 6 tháng đầu năm. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng dần, nhất là các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu của nhiều nhà đầu tư.
Khách hàng phần lớn là nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.
Đáng chú ý, Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail…là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội M&A ở các phân khúc BĐS thương mại, nhà ở và công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp trong ngành, các nhà đầu tư từ các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng danh mục đầu tư sang ngành BĐS.
Phương thức chuyển nhượng chủ yếu vẫn là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp. Trong đó, tách doanh nghiệp dự án và mua bán đứt doanh nghiệp là lựa chọn được nhiều bên mua ưa thích. Số lượng các chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án rất lớn. Thay vì giữ vững kỳ vọng được giá, các chủ đầu tư dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.
Nửa đầu năm, thị trường BĐS đã chứng kiến một vài thượng vụ M&A của các nhà đầu tư ngoại, trong bối cảnh, doanh nghiệp BĐS trong nước gặp trục trặc về dòng tiền.
Đơn cử như hồi đầu tháng 7, Keppel Corporation thông qua thông qua công ty con sở hữu 100% vốn là VN Prime Vietnam chi 1.230 tỷ đồng mua lại một dự án BĐS ở Hà Nội. Dự án được phát triển trên khu đất rộng 3,2 ha tại 175 Nguyễn Thái Học, quận Đống Đa, dự kiến hoàn hoàn thành năm 2025. Phía Keppel sẽ thanh toán thành 2 đợt để sở hữu 65% cổ phần. Còn lại 35% cổ phần là của Công ty CP Thương mại và Đầu tư Phát triển Bình Minh.
Trước đó, cuối tháng 5, Keppel cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam đã bỏ ra khoảng 3.180 tỷ đồng để mua lại 49% cổ phần từ Tập đoàn Khang Điền trong 2 dự án ở TP. Thủ Đức là Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha). 2 dự án này có hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư. Dự kiến, chi phí phát triển dự án khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Năm ngoái, tập đoàn hàng đầu Singapore cũng tích cực trong hoạt động M&A khi ký thỏa thuận mua lại 49% cổ phần tại 3 khu đất thuộc Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) ở huyện Hoài Đức, Hà Nội từ Công ty CP Địa ốc Phú Long với tổng giá trị khoảng 118 triệu USD…
Tương tự, hồi tháng 3/2023, thông qua thành viên Capitaland Development, Tập đoàn CapitaLand xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes, rộng 294 ha gần TP. Hà Nội, hoặc một dự án khác ở phía Bắc TP. Hải Phòng. Tổng giá trị thương vụ này ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.
Trước đó, hồi cuối tháng 8/2018, ngày 30/8/2018, CapitaLand đã thông qua các công ty thành viên mua lại 86 triệu cổ phần, tương đương với 100% vốn điều lệ, của Công ty CP BCLand với tổng số tiền bỏ ra là 1.380 tỷ đồng. Mục đích của CapitaLand hướng tới là dự án có diện tích 6 ha tại phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Hay như đầu tháng 4, tại Nhật Bản, Kim Oanh Group và Tập đoàn Sumitomo Forestry đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực BĐS. Theo thỏa thuận, Sumitomo Forestry sẽ rót vốn cùng Kim Oanh Group thành lập Công ty liên doanh KS Sustainable Development JSC để triển khai một dự án tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có quy mô 118 căn nhà phố và shophouse, dự kiến công bố ra thị trường vào cuối năm 2023.
Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, chuyên gia Savills Việt Nam đánh giá việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.
Đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.