Bất ngờ cổ tức khủng
Doanh nghiệp chi trả cổ tức đột biến là tin tức hấp dẫn với cổ đông và nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải lúc nào cổ tức “khủng” cũng đi cùng niềm vui và lợi nhuận.
Bất ngờ với cổ tức 660%
Ngày 5/12/2017, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2017 bằng tiền với tỷ lệ 660%, tương ứng 66.000 đồng/CP. Tính trên thị giá cùng ngày, tỷ suất cổ tức là 28,6%.
Đáng chú ý, thị giá VCF mới chỉ bứt phá từ đầu tháng 12, với những nhà đầu tư mua quanh mức giá 200.000 đồng/CP từ nửa năm trước đó, mức sinh lời từ cổ tức lên đến 33%.
Giữa tháng 11/2017, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng - Địa ốc Cao su (RCD) có nghị quyết tạm ứng cổ tức tiền mặt 50% cho năm 2017, trong khi kế hoạch cả năm trước đó là 15% (năm 2016, mức chi trả cổ tức là 20%).
Một doanh nghiệp trả cổ tức cao đáng chú ý khác là Công ty cổ phần Gemadept (GMD). Đại hội đồng cổ đông GMD đã thông qua kế hoạch cổ tức năm 2017 ở mức 85% từ nguồn lợi nhuận, dòng tiền có được sau khi thoái vốn khỏi một số công ty con và dự án đầu tư như CJ Tower, Cảng GMD Hoa Sen, Vận tải biển Gemadept, Logistics Gemadept Holding. Cùng với cổ tức 15% chi trả cho năm 2016, cổ đông GMD đang đứng trước cơ hội nhận cổ tức lên tới 100% (10.000 đồng/CP), tương đương 22,2% thị giá.
Nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan giúp danh sách cổ phiếu có mức cổ tức cao ngày càng mở rộng. Ngoài các mã có cổ tức đột biến như VCF, GMD, KDC, SDI…, thì không ít doanh nghiệp duy trì mức chi trả cổ tức ấn tượng trong những năm gần đây, chẳng hạn Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS), Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (LDP)…
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao như VNX của Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (VNX), cổ tức tiền mặt 25% trong năm 2017 khi thị giá chỉ... 3.000 đồng/CP. Hay Công ty cổ phần Meinfa (MEF) trả cổ tức 50% khi thị giá chỉ... 900 đồng/CP. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn mua 2 mã này với giá cao cũng không có người bán ra. Thị giá thấp là do các mã này đã chết thanh khoản trên sàn từ nhiều tháng nay, không có giao dịch.
Săn cổ phiếu cổ tức cao đã trở thành một chiến lược của nhiều nhà đầu tư ngắn hạn, bởi thông tin cổ tức cao có thể nâng đỡ thị giá cổ phiếu, thậm chí tạo “sóng”.
Chẳng hạn, tại VCF, giá cổ phiếu đã tăng gần 25% trong tuần qua, khi thị trường bắt đầu có những thông tin đồn đoán đến khi chính thức có thông tin về mức cổ tức 660%. Giá cổ phiếu này hiện đạt 260.000 đồng/CP, vượt xa mức 202.000 đồng/CP mà Masan Beverage chào mua.
Với các nhà đầu tư hướng đến cổ phiếu cơ bản, an toàn thì những doanh nghiệp có chính sách cổ tức tốt luôn được chú ý. Bởi lẽ, doanh nghiệp chi trả cổ tức cao, ổn định cho thấy khả năng kinh doanh, quản trị hiệu quả, nhất là quản trị dòng tiền.
Triển vọng tăng trưởng là yếu tố quyết định
Theo quy định, việc chi trả cổ tức căn cứ vào lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Doanh nghiệp chỉ được trả cổ tức khi hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính, đã trích lập các quỹ và bù đắp đủ lỗ trước đó (nếu có). Sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Đây chỉ là các yêu cầu tối thiểu, nếu muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, doanh nghiệp không chỉ cần có lợi nhuận “để dành” (như VCF, SDI) hay lợi nhuận bất thường (như KDC, GMD) mà còn cần “tiền tươi, thóc thật”.
Nguồn tiền sau khi chia cổ tức phải đáp ứng được nhu cầu đầu tư, trả nợ. Nếu chia cổ tức cao mà ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động, đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng, yếu tố quan trọng nhất quyết định biến động giá cổ phiếu trong dài hạn, thì không phải bao giờ cổ tức cũng giúp cổ đông phấn khởi, thậm chí lợi bất cập hại.
Trước đây, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (DXP) từng dự kiến nâng tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt từ 30% theo kế hoạch lên 70%, nhưng bị nhiều cổ đông phản ứng, bởi lo ngại chia cổ tức tới 70% lợi nhuận thay vì mở rộng đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, tăng trưởng.
Tại KDC, sau khi bán đi mảng kinh doanh chính bánh kẹo và có tiền chia cổ tức khủng tháng 8/2015 (tỷ lệ 200%), thị giá cổ phiếu giảm liên tục trong 6 tháng sau đó và chỉ tăng từ đầu năm 2016 khi triển vọng tăng trưởng quay lại nhờ tái đầu tư nguồn tiền vào các mảng kinh doanh mới. Tuy nhiên, doanh thu năm 2016 giảm 30%, lợi nhuận sau thuế giảm 77,5% so với năm 2015.
MAS, WCS, NCT đều là những doanh nghiệp thuộc nhóm có cổ tức và chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất sàn niêm yết, tuy nhiên cổ phiếu hiện chỉ giao dịch ở mức P/E khoảng 7 - 9 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình thị trường (khoảng 18 lần).
Nhiều quỹ đầu tư khi lựa chọn danh mục thường hướng đến cổ phiếu tăng trưởng toàn diện và tăng đều qua các năm cả về doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, nguồn vốn như VNM, BMP, HPG, FPT, MWG…, cổ tức là yếu tố xếp sau.
Thực tế, cổ tức luôn là thông tin được quan tâm, nhưng nhà đầu tư sẽ nhìn kỹ hơn vào chỉ số tài chính, dòng tiền, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, gắn liền với sự tăng trưởng bền vững, chứ không chỉ là những giá trị nhận được tức thời. Khi thiếu động lực tăng trưởng, áp lực cạnh tranh của thị trường có thể khiến doanh nghiệp bão hòa hoặc suy thoái.