Bí mật của cổ tức "khủng"

Theo Tạp chí Doanh nhân

(Tài chính) Điều gì đang diễn ra nếu kết quả kinh doanh của công ty không tương xứng với mức trả cổ tức? Cổ đông thích thu nhập từ cổ tức và một số doanh nghiệp gây bất ngờ cho họ với tỷ lệ chi trả cao bất thường. Nhưng tại sao? Chia cổ tức ít hay nhiều phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhưng chia hết lợi nhuận bằng cổ tức sẽ không đủ nguồn vốn để mở rộng đầu tư, tăng trưởng sẽ giảm sút.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Doanh nhân
Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Doanh nhân
Khi cổ tức vượt xa kết quả kinh doanh

Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) mới đây đã xin ý kiến cổ đông về việc chi trả cổ tức 20% đợt 3 của năm 2013 và 80% của năm 2014, tổng cộng là 100% bằng tiền mặt. Đối với mức giá giao dịch 3x thì tỷ suất cổ tức trên thị giá của GIL lên đến 33%/năm hay nói cách khác, bỏ tiền mua 1 cổ phần GIL thì cổ đông sẽ được nhận tỷ lệ thu nhập tương ứng là 33%/năm.

Đây là mức sinh lời quá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng giảm mạnh xuống còn 5,5 - 6%/năm. Nếu Đại hội cổ đông của GIL thông qua việc chi trả thì tổng số tiền GIL thanh toán cho cổ đông sẽ tương đương vốn điều lệ, 136,8 tỷ đồng, vượt cả lợi nhuận sau thuế lũy kế lẫn lợi nhuận chưa phân phối.

Tính đến hết quý 3/2014, lợi nhuận sau thuế mới chỉ đạt 33,9 tỷ đồng và tổng lợi nhuận chưa phân phối của công ty là 105 tỷ đồng. So giữa lợi nhuận kiếm được với khoản tiền chi trả cổ tức, phải chăng GIL rất hào phóng và mạnh tay với các cổ đông trong năm 2014?

Điều này hoàn toàn trái ngược với năm 2012 khi công ty quyết định giảm tỷ lệ cổ tức từ 20% xuống 10%, trong khi thu nhập trên một trên cổ phần của GIL vẫn đạt 3.277 đồng, hoàn toàn đủ khả năng chi trả cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/cổ phần (tương ứng 20%). GIL lý giải vì doanh thu hợp nhất năm 2012 tăng 36% so với năm 2011 và vượt 10% kế hoạch năm, nhưng thu nhập ròng chỉ đạt 36 tỷ đồng, chỉ mới đạt 65% kế hoạch.

Cho đến thời điểm hiện nay, GIL vẫn chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng nào về mức chi trả cổ tức cao đột biến.

Lịch sử trả cổ tức: Tiền mặt hay cổ phiếu?

Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2014 của GIL, công ty đã thông qua chi trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% để tăng vốn điều lệ. Chuyển từ thanh toán bằng cổ phiếu sang tiền mặt không đơn giản, đặc biệt khi GIL trả cổ tức tiền mặt tới 80% - mức có thể coi là khá bất thường. Thông thường, khi lựa chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, công ty muốn tiết kiệm nguồn tiền mặt hoặc sử dụng tiền mặt vào mục đích khác như đầu tư dự án, tài trợ vốn lưu động. Trước năm 2014, GIL chủ yếu thanh toán cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 10 - 20%.

Ngành nghề kinh doanh của GIL là các sản phẩm gia dụng liên quan tới vải, may mặc, nhựa và chủ yếu cung cấp cho khách hàng IKEA (chiếm 90% doanh số). Doanh thu của GIL khá ổn định, xoay quanh mức 800 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của GIL biến động rất mạnh qua các năm do biến động về chi phí. Do đặc điểm ngành nghề, công ty chủ yếu vay nợ ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động, tổng số dư vay GIL sử dụng hàng năm lên đến 700 tỷ đồng nên chi phí lãi vay ở mức 25 tỷ đồng, tăng 50% kể từ năm 2011. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 80 tỷ đồng, tăng 30% kể từ năm 2012, trong khi doanh thu giảm nhẹ so với 2012. Lượng tiền mặt của GIL rất dồi dào (185 tỷ đồng), đủ sức chi trả món tiền 136,8 tỷ đồng cho cổ đông. Câu hỏi đặt ra là tại sao công ty phải trả cổ tức cao trong khi có nhu cầu vốn đầu tư  415 tỷ đồng, cộng thêm phải đi vay ngắn hạn 700 tỷ đồng?

Có thể hiểu vấn đề này qua một số góc nhìn như sau. Thứ nhất, chi phí lãi vay của GIL xấp xỉ bằng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, như vậy duy trì dư nợ ngắn hạn như hiện tại sẽ tiết kiệm được chi phí thuế cho công ty. Thứ hai, GIL đang sở hữu số lượng cổ phiếu quỹ 3,183 triệu cổ phần (giá vốn bình quân là 33.748 đồng/cổ phần) và GIL không phải thanh toán cổ tức cho lượng cổ phiếu quỹ này. Tổng giá trị chi trả của công ty chỉ 107 tỷ đồng, thay vì 136,8 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng. Thứ ba, vốn điều lệ của GIL khá mỏng so với tỷ lệ đòn bẩy tài chính, đồng thời nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận chưa phân phối rất lớn, 286 tỷ đồng gấp đôi vốn điều lệ. Như vậy, câu trả lời gần như rõ ràng là GIL muốn chia hết lợi nhuận cho cổ đông cũ trước khi tăng vốn bằng cách bán cổ phiếu quỹ, chia hết nguồn thặng dư và có thể kết hợp phát hành thêm.

Thu nhập cổ tức về tay ai?

Trước khi chốt xong ý kiến cổ đông về chi trả cổ tức, giới đầu tư chứng kiến rất nhiều thay đổi về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông của GIL. Nhóm cổ đông có liên quan tới Công ty cổ phần Chứng khoán Sài gòn (SSI) đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 35% xuống 27% vốn điều lệ kể từ ngày công bố thông tin trả cổ tức. Nhóm cổ đông liên quan tới ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GIL hiện nắm giữ 33% cổ phần công ty, chiếm ưu thế tối đa.

Việc giảm bớt tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông SSI có khả năng do mục đích đầu tư sinh lời, tận dụng cơ hội chênh lệch giá mà không cần công bố thông tin (do tỷ lệ sở hữu dưới 5% tại Công ty TNHH NDH Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre). Đồng thời, cũng có thể hiểu nhóm cổ đông liên quan tới ông Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT đang muốn củng cố vị thế trong việc kiểm soát công ty và quản trị điều hành.

Nếu được ĐHCĐ thông qua, nhóm cổ đông liên quan tới ông Lê Hùng sẽ nhận được khoản tiền cổ tức nhiều nhất (45 tỷ đồng), tiếp theo là nhóm cổ đông SSI được 36,9 tỷ đồng và phần còn lại dành cho cổ đông nhỏ lẻ. Cổ tức khủng của GIL như một bữa ăn thịnh soạn cho cổ đông cũ, cụ thể là hai nhóm cổ đông chi phối công ty, trước khi vốn cổ phần có thể bị pha loãng.

Trước thềm M&A: Nhanh tay chia cổ tức khủng

Sự kiện GIL chia cổ tức đột biến có thể gợi nhớ đến trường hợp của Công ty Thủy điện Nà Lợi (NLC) trả cổ tức 72% bằng tiền mặt trước khi sáp nhập với Công ty Thủy điện Cần Đơn (SJD) trong năm 2014. Thông thường, mức chia cổ tức đột biến thường gắn với sự kiện quan trọng sau đó, đối với NLC là sự kiện sáp nhập với công ty thủy điện lớn khác. Về quy mô sản xuất điện, công suất của NLC rất nhỏ, chỉ có 9,3 MW khi đặt lên “bàn cân” với SJD, 77,6 MW.

Cả hai công ty thủy điện này đều do Tổng công ty Sông Đà chi phối, nhưng trong cơ cấu cổ đông của NLC, các cổ đông cá nhân chiếm tới 45% cổ phần. Khi chia hết cổ tức bằng nguồn tiền mặt sẵn có, 39 tỷ đồng thì quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ NLC vẫn được đảm bảo và ưu tiên cao hơn so với cổ đông tổ chức (TCT Sông Đà nắm giữ 51% vốn điều lệ của NLC).

Xét một cách khách quan, cổ đông của NLC được hưởng lợi kép từ việc sáp nhập với SJD không chỉ từ nhận cổ tức tiền mặt tới 72% mà còn được hoán đổi cổ phần với tỷ lệ 1:1. SJD lớn hơn NLC ở nhiều phương diện: tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, thanh khoản, khả năng đàm phán giá điện… Như vậy, khi 1 cổ phần NLC được chuyển đổi sang 1 cổ phần SJD, cổ đông cũ của NLC coi như đã đặt chân lên một nấc thang mới.

Phải nói thêm rằng, lượng tiền mặt lớn của doanh nghiệp thường là miếng mồi hấp dẫn cho các thương vụ M&A. Tuy nhiên, trong trường hợp này, SJD và NLC là “gà cùng một mẹ”, nên việc NLC chia hết nguồn tiền mặt trả cổ tức chỉ đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, không mang tính chất phòng thủ trước động cơ thâu tóm thù nghịch.

Chia cổ tức ít hay nhiều phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong từng thời kỳ vì tốc độ tăng trưởng liên quan mật thiết đến lợi nhuận giữ lại sau khi chia cổ tức. Các doanh nghiệp chia hết lợi nhuận bằng cổ tức sẽ không đủ nguồn vốn để mở rộng đầu tư, tăng trưởng sẽ giảm sút.