“Bí quyết” kiểm soát nợ thuế của Cục Hải quan Đồng Nai
Với việc triển khai hiệu quả các giải pháp cải cách thủ tục, nuôi dưỡng nguồn thu, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Cục Hải quan Đồng Nai không ngừng tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ thuế phát sinh tại đơn vị lại liên tục “lội ngược dòng” khi không những không tăng theo số thu mà còn giảm đi đáng kể.
Công tác thu về đích sớm
Năm 2018, Cục Hải quan Đồng Nai được giao chỉ tiêu thu ngân sách là 16.500 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu là 18.200 đồng. Với nhiệm vụ được giao, đơn vị đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài chính nhằm đảm bảo tăng thu NSNN. Ngay từ những ngày đầu năm 2018, đơn vị đã chủ động đánh giá tình hình thu NSNN, tập trung rà soát, chủ động thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đặc biệt chú trọng nghiên cứu các giải pháp, đôn đốc các chi cục trực thuộc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất. Tính đến hết tháng 11/2018, tổng số thu NSNN tại đơn vị đã đạt gần 16.926 tỷ đồng, tương đương 102% chỉ tiêu pháp lệnh. Dự tính hết 31/12/2018, đơn vị sẽ hoàn thành chỉ tiêu giao phấn đấu thu NSNN 18.200 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả như trên, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra và định kỳ hàng tuần thực hiện đầy đủ báo cáo kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá tính thuế theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan. Đặc biệt là công tác tham vấn trị giá đối với mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh xử lý các sai sót trong công tác xác định trị giá tính thuế tại các chi cục trực thuộc như: cập nhật thiếu thông tin xác định trị giá tính thuế, chấp nhận giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá, bỏ lọt trường hợp hàng khai báo trị giá thấp nhưng không tiến hành tham vấn,… Đồng thời, đơn vị thường xuyên hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong công tác xác định giá tại các đơn vị trực thuộc.
Cùng với đó, Cục Hải quan Đồng Nai cũng đẩy mạnh công tác hiện đại hoá thu nộp ngân sách, hiện đại hóa thu nộp NSNN 24/7 giữa các cơ quan như thuế, kho bạc, ngân hàng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Đặc biệt, không thể không nhắc tới công tác đồng hành và hỗ trợ DN của Cục Hải quan Đồng Nai. Đây được coi là chiếc “chìa khóa vàng” với rất nhiều lợi ích như gia tăng nguồn thu một cách bền vững đồng thời giảm số nợ thuế của các DN. Cụ thể, đơn vị luôn chủ động đối thoại, nắm bắt những khó khăn vướng mắc của DN và nhanh chóng hỗ trợ, kiến nghị các cấp, các ngành tháo gỡ vướng mắc cho DN. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã báo cáo, đề xuất tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DN như vướng mắc về áp dụng mức thuế suất bảo vệ môi trường; về phân loại hàng hóa và xử lý thuế đối với mặt hàng xe 04 bánh có gắn động cơ điện loại chạy bằng ắc quy chở từ 10 người trở lên hoạt động trong phạm vi hạn chế; về xử lý thuế GTGT hàng nhập khẩu sản xuất, kinh doanh tái xuất khẩu; vướng mắc về miễn thuế, hoàn thuế đối với hàng hóa gửi nước ngoài gia công sau đó tái nhập tiếp tục sản xuất sản phẩm xuất khẩu; vướng mắc hoàn thuế đối với DN chế xuất thực hiện quyền XK, NK; vướng mắc về việc thu thuế loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ...
Nợ thuế “lội ngược dòng”
Điểm sáng đặc biệt tại Cục Hải quan Đồng Nai chính là công tác kiểm soát nợ thuế luôn đạt kết quả cao qua các năm. Tại thời điểm 30/11/2018, tổng nợ thuế chuyên thu quá hạn và cưỡng chế của đơn vị chỉ vỏn vẹn 13,23 tỷ đồng, giảm 2,29 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, đa phần là khoản nợ của các DN đã mất tích, bỏ trốn từ nhiều năm trước. Như vậy, tỷ lệ nợ thuế tại Cục Hải quan Đồng Nai tại thời điểm 30/11 chỉ ở mức 0,078% - một tỷ lệ đáng mơ ước của rất nhiều đơn vị khác. Đặc biệt ấn tượng hơn cả là tỷ lệ này đã được Cục Hải quan Đồng Nai duy trì bền vững từ nhiều năm nay – luôn ở mức dưới 1%.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, “bí quyết” để có được kết quả đáng ngưỡng mộ như trên chính là việc đơn vị thường xuyên rà soát, cập nhật xác định chính xác số nợ phát sinh. Trong đó, tập trung xác minh, làm rõ tình hình nợ thuế hiện tại; các khoản nợ không có khả năng thu hồi; thực hiện các giải pháp thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ, kiên quyết không để phát sinh nợ xấu mới. Theo đó, tất cả nợ phát sinh mới đều được đơn vị thực hiện thu hồi đầy đủ.
Tại các chi cục, nợ thuế được theo dõi chặt chẽ mỗi ngày. Sau đó, định kỳ hàng tháng các chi cục sẽ báo cáo cho phòng thuế tình hình xử lý nợ thuế trong tháng kèm theo kế hoạch cho tháng kế tiếp, trong đó liệt kê chi tiết từng công việc cụ thể đã làm cho từng đối tượng nợ thuế. Trên cơ sở báo cáo của các chi cục, phòng thuế tổng hợp kết quả và đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác thu hồi nợ thuế. Theo đó, đối với những vướng mắc liên quan đến các cơ quan ban ngành như Cục Thi hành án, Tòa án nhân dân các cấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Ban quản lý các khu công nghiệp… phát sinh trong quá trình thu hồi nợ thuế, các chi cục báo cáo về phòng Thuế để tổng hợp, trình lãnh đạo Cục văn bản đăng ký làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan. Ngoài ra, các chi cục cũng thường xuyên rà soát, thu thập thông tin, tình hình hoạt động của DN để kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, không để phát sinh nợ khó thu hồi.