Biến động nhân sự ngân hàng trước làn sóng công nghệ số

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Cùng với làn sóng phát triển công nghệ số, ngành ngân hàng đang có những chuyển động mạnh mẽ về nhân sự để phù hợp với nhu cầu phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho biết kỷ nguyên số bùng nổ khiến cho khả năng bị mất việc trong ngành ngân hàng sẽ rất lớn trong tương lai. Trên thế giới, nhiều ngân hàng quốc tế cũng đã sa thải hàng loạt nhân viên.

Lao động ngành ngân hàng đã đủ?

Thống kê của Thời báo Kinh Doanh tại 10 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, OCB, ACB, TPBank, MB, VIB, Techcombank có sự xáo trộn nhân sự trong nửa đầu năm 2019.

Đáng lưu ý, nhiều ngân hàng nằm trong top quy mô nhân sự lớn đang có xu hướng giảm.

Đứng đầu trong nhóm này phải kể đến VPBank. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II, tại ngày 30/6, ngân hàng chỉ còn 9.480 người, so với mức 11.466 người cuối năm 2018.

BIDV – ngân hàng có quy mô nhân sự đứng đầu cũng giảm 1% nhân sự so với cuối năm trước, còn 23.244 người; VietinBank còn 22.164 người; ACB còn 10.471 người, giảm 168 người trong 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng tăng quy mô nhân sự: Techcombank tăng từ 8.240 nhân viên lên 9.739 nhân viên; Vietcombank từ 16.721 người tăng lên 17.848 người. Số lượng nhân sự của VIB đến cuối tháng 6 là 6.208 người, tăng 1.010 người; MB tăng 739 người; TPBank tăng 523 người…

Hầu hết 10 ngân hàng khảo sát dù có gia tăng hay giảm đội ngũ nhân sự cũng đều ghi nhận tăng trưởng trong kết quả kinh doanh giai đoạn này. Điều đó cho thấy việc giảm nhân sự cũng không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà băng. Mặt khác, việc cắt giảm nhân sự nằm trong sự thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với nhu cầu phát triển của ngân hàng.

Diễn biến trên hoàn toàn phù hợp với kết quả cuộc khảo sát về xu hướng kinh doanh quý III/2019 do Vụ Dự báo Thống kê của NHNN thực hiện với toàn bộ các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 6/2019, chỉ có 22% TCTD cho biết đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 25,5% tại cuộc điều tra tháng 3/2019.

Theo đánh giá của Vụ Dự báo Thống kê: “Kết quả điều tra cho thấy tình trạng thiếu lao động trong ngành ngân hàng đang được khắc phục và chuyển sang trạng thái “đủ” lao động để đáp ứng nhu cầu của công việc hiện tại”.

Biến động nhân sự ngân hàng trước làn sóng công nghệ số - Ảnh 1

Ngân hàng tăng tuyển dụng nhân sự có trình độ về công nghệ

Tác động từ số hóa

Các chuyên gia cho rằng có khá nhiều lý do khiến các ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự, trong đó có việc tái cơ cấu lại các mảng kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển trong từng giai đoạn.

Theo bà Đinh Hồng Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tư vấn dịch vụ tài chính, công ty Tư vấn PwC Việt Nam, nhiều ngân hàng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về công nghệ số. Tuy nhiên, mô hình hoạt động và quy mô nhân viên của các ngân hàng này có thể chưa bắt kịp và chưa hiệu quả như kỳ vọng của các cổ đông và ban lãnh đạo.

Bà Hạnh khẳng định vấn đề năng suất lao động ngày càng trở thành một quan tâm lớn của rất nhiều ngân hàng Việt. Câu hỏi đặt ra là năng suất hiệu quả đó được đo lường như thế nào, được khuyến khích, vận động ra sao và được thích nghi như thế nào trong bối cảnh tự động hóa và công nghệ số?

Theo nghiên cứu của PwC, nhiều ngân hàng đi trước trong công nghệ giờ đây sẽ quan tâm hơn đến vấn đề hiệu quả và năng suất.

Đáng chú ý, bất cập lớn nhất đối với các ngân hàng hiện nay là nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn chiếm chủ yếu, tới hơn 90% tổng số lao động nhưng lại không có kỹ năng về công nghệ thông tin và thiếu ngoại ngữ. Trong khi đó, nhân sự giỏi công nghệ lại không giỏi chuyên môn khiến lập trình ứng dụng hiệu quả không cao, mâu thuẫn tác nghiệp.

Thực tế, đầu năm nay, nhiều ngân hàng ưu tiên tuyển lao động chất lượng cao cho chiến lược tăng trưởng, nhưng việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng.

Chẳng hạn ACB đang hướng đến việc chuyển mình thành một “ngân hàng số” sáng tạo nhất Việt Nam. Để có thể làm chủ sự thay đổi, ACB đã triển khai chương trình “Đối tác sự nghiệp” trên toàn quốc. Trong đó, 15% số lượng nhân sự cần tuyển liên quan đến công nghệ thông tin như phát triển ứng dụng DevOPs, lập trình, phân tích dữ liệu, công nghệ đám mây UX/UI…

Giám đốc phòng nhân sự một ngân hàng đánh giá thị trường lao động nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng đang đối mặt với sự chuyển dịch ở mức độ cao. Do đó, ngân hàng đã chuẩn bị các chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi hấp dẫn để tăng khả năng thu hút nhân sự giỏi.

Vì lẽ đó, các chuyên gia đều có chung một nhận định là nhân lực của các ngân hàng sẽ còn có nhiều biến động theo tiến trình số hóa hoạt động trong thời gian tới.