Bloomberg: Sóng bất động sản cao cấp nổi lên ở Việt Nam

Theo Khổng Chiêm/Bloomberg/ndh.vn

Giá chung cư cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng 17% trong năm 2018 và dự báo tăng gần 10% sau hai năm nữa. Tầng lớp người giàu mới nổi ở Việt Nam cũng gia tăng nhanh nhất toàn cầu trong 10 năm trở lại đây.

Bên trong một căn hộ cao cấp ở Việt Nam. Nguồn: Savills
Bên trong một căn hộ cao cấp ở Việt Nam. Nguồn: Savills

Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới khi tăng trưởng GDP đạt trung bình hơn 6% trong suốt 20 năm qua. Nền kinh tế cũng mở cửa cho đầu tư nước ngoài và mở rộng khu vực kinh tế tư nhân.

Điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào bất động sản Việt Nam. Trong một thế giới mà giá nhà đang bấp bênh từ Lodon đến Hong Kong, Sydney hay New York thì Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn.

Bloomberg: Sóng bất động sản cao cấp nổi lên ở Việt Nam - Ảnh 1

So sánh giá bất động sản trên một m2 ở các đô thị lớn tại châu Á.

Ông Goodwin Gaw, Chủ tịch công ty tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hong Kong, doanh nghiệp giám sát tài sản bất động sản lên tới 17 tỷ USD trên toàn cầu, nói Việt Nam giống như miền Nam Trung Quốc cách đây 10-15 năm. Dù giá nhà đã tăng đều đặn trong 18 tháng qua nhưng về lâu dài, triển vọng có thể còn tốt.

Giá chung cư cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh tăng 17% trong năm 2018 lên mức trung bình 5.518 USD/m2, theo nghiên cứu từ CBRE. Công ty này còn dự báo mức giá sẽ còn tăng gần 10% vào năm 2020 lên 6.000 USD/m2 (các căn hộ trung cấp chỉ tăng hơn 1% trong năm ngoái).

Người phát ngôn của Hana Tour, một công ty du lịch Hàn Quốc cũng nói nhiều người quan tâm đến đầu tư vào bất động sản Việt Nam. Họ mua nhiều tour du lịch trọn gói nhiều ngày tới Việt Nam để xem căn hộ.

Ngoài nhu cầu của người nước ngoài, tầng lớp người giàu mới nổi ở Việt Nam cũng tạo thành làn sóng riêng. Theo thống kê từ Knight Frank năm 2017, số người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên tăng 320% trong giai đoạn 2006 - 2016, đây là tốc độ tăng nhanh nhất toàn cầu, trước cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Người sáng lập quỹ đầu tư tư nhân Mekong Capital, Chris Freund, cho rằng nhiều người Việt Nam đã giàu lên nhờ bất động sản. Tỷ lệ sở hữu nhà vượt quá 90% và là một trong những tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Giá nhà tăng giúp tạo ra tầng lớp trung lưu, gồm những cá nhân có tài sản trên 1 triệu USD.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc quản lý Savills Việt Nam cho biết các nhà phát triển dự án thường tập trung vào tầng lớp trung lưu nhưng hiện đã chuyển sang những người giàu có hơn.

Cũng theo ông này, nhiều người Việt Nam giàu có, đặc biệt là các doanh nhân đang tìm kiếm nơi ở cho mình. Tuy nhiên, nguồn cung đất ở vị trí trung tâm vô cùng eo hẹp nên nhiều người sẵn sàng đổ tiền ngay để mua.

Một yếu tố khác thúc đẩy nhu cầu sở hữu căn hộ là sự thay đổi trong quan niệm của người châu Á. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE nói nhiều cặp vợ chồng muốn ra ở riêng sau khi kết hôn. Họ muốn mua căn hộ hơn là sống chung trong một căn nhà nhiều thế hệ.

Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital lại cho rằng hầu hết các doanh nghiệp châu Á luôn chuyển sang bất động sản khi họ thành công trong bất kỳ hoạt động kinh doanh cốt lõi nào. Khi sự giàu có của đất nước tăng lên, mọi người sẽ mua bất động sản.