Bloomberg: Việt Nam giành lại “vương miện chứng khoán châu Á”
Một bài viết vừa được hãng tin Bloomberg đăng tải ngày 28/2 đã đưa ra những đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh.
Theo bài viết mang tựa đề "Vietnam Snatches Back Asia’s Equity Crown as Foreigners Buy" (tạm dịch: "Việt Nam giành lại vương miện chứng khoán châu Á khi nhà đầu tư ngoại mua vào") nhấn mạnh chỉ vài tuần trước, ảnh hưởng của đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới đã khiến Việt Nam tuột khỏi vị trí thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất châu Á từ đầu năm.
Tuy nhiên, sự bi quan không kéo dài lâu, và chứng khoán Việt Nam đã giành lại "chiếc vương miện", và đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu.
Một cuộc khảo sát với sự tham gia của 10 chiến lược gia được Bloomberg thực hiện dự báo chỉ số VN-Index sẽ còn tăng và sẽ vượt mức đỉnh thiết lập vào tháng 3/2007. Kết quả khảo sát cho rằng VN-Index sẽ đạt mức 1.210 điểm vào cuối năm nay.
Các nhà đầu tư nước ngoài hào hứng trở lại với chứng khoán Việt Nam khi nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cũng giữ vững bất chấp những biến động gần đây trên thị trường toàn cầu.
Khối ngoại đã mua ròng chứng khoán Việt Nam trong tháng 2 này, cho dù họ đã rút tổng cộng 14 tỷ USD khỏi 9 thị trường chứng khoán châu Á khác được Bloomberg theo dõi.
"Tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ tốt lên, với mức tăng từ 20-25%, không chỉ đối với các công ty đã niêm yết từ lâu mà cả đối với các công ty mới lên sàn", ông Thang Uong, người quản lý danh mục đầu tư 1 tỷ USD tại Manulif Asset Management (Vietnam) ở Tp.HCM, phát biểu. "Chúng tôi rất lạc quan về năm nay".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vào tháng trước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dự báo kinh tế Việt Nam 2018 có thể đạt mức tăng tương tự như năm ngoái, vượt mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đề ra.
Theo ước tính của Bloomberg, mức lợi nhuận trung bình mỗi cổ phiếu của các thành viên VN-Index sẽ tăng 15% trong 1 năm tới.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng 6,7% trong năm nay, mức tăng cao thứ nhì trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, chỉ sau Philippines.
Triển vọng tăng trưởng tốt và các nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam đã giúp nâng tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức 172 tỷ USD trong vòng 1 năm trở lại đây. Từ đầu năm tới ngày 26/1, VN-Index đã tăng 13%, nhưng lại để mất phần lớn thành quả đó trong 2 tuần kế tiếp do thị trường toàn cầu sụt giảm.
Đợt hồi phục kể từ hôm 12/2 đã đưa VN-Index lên mức điểm cao hơn so với trước khi diễn ra bán tháo, khiến chứng khoán Việt Nam trở nên đắt hơn nếu so với các thị trường khác trong khu vực. Hệ số P/E của chứng khoán Việt Nam hiện ở mức khoảng 20 lần, so với mức 14 lần của chỉ số MSCI Frontier Markets Index dành cho các thị trường sơ khai và mức 16 lần của MSCI ASEAN Index.
"Kỳ vọng đang rất cao, giá cổ phiếu cũng cao", ông Chris Freund, một thành viên của Mekong Capital tại Tp.HCM, nhận định với Bloomberg. "Các nhà đầu tư đang rất hào hứng, và rốt cục sẽ có điều gì đó xảy ra. Tâm lý của nhà đầu tư sẽ lại chuyển từ lạc quan thái quá sang một hướng khác".
Nhưng ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tin tưởng vào chứng khoán Việt Nam, với triển vọng tăng trưởng lạc quan của nền kinh tế - theo Bloomberg. Sau khi mua ròng 1 tỷ USD chứng khoán Việt Nam trong năm 2017, khối ngoại đã mua ròng thêm 432 triệu USD chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.