Bộ Tài chính đề nghị nhiều biện pháp “thúc” tiến độ cổ phần hóa

PV.

Theo báo cáo thống kê của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Bộ Tài chính cho biết, tuy cơ chế, chính sách đã có nhưng việc thực hiện cổ phần hóa vẫn chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Triển khai cổ phần hóa rất chậm

Trong 05 tháng đầu năm 2018, cả nước có 05 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong khi đó, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong 05 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái vốn được 1.469 tỷ đồng, thu về 3.973 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty cổ phần Mía đường II thoái vốn nhà nước 636 tỷ đồng, thu về 663 tỷ đồng; Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 832 tỷ đồng, thu về 3.310 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có 01 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định này. Lũy kế đến nay mới chỉ có 12 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (năm 2017 có 11 đơn vị thực hiện thoái vốn).

Như vậy, tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước còn rất chậm, nhiều khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN về cổ phần hóa doanh nghiệp  và theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thoái vốn Nhà nước.

Mạnh tay với các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả

Một trong những nguyên nhân căn bản khiến việc triển khai cổ phần hóa chậm là do giai đoạn này, các doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa đều có quy mô lớn, có vốn nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định mới, doanh nghiệp cổ phần hóa không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các doanh nghiệp phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo các nội dung theo yêu cầu gửi  Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018.  Các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn.

Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.