Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư trong cả nước mới đạt 32,2% kế hoạch năm (là tỷ lệ giải ngân thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Ngày 9/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ- CP (NQ 60) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2016. Qua thực tiễn nắm bắt từ cơ sở, Bộ Tài chính đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết.
Quy định trách nhiệm trong thẩm định nguồn vốn
Một trong những ý kiến của Bộ Tài chính góp ý vào NQ 60 về thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư đó là phải tăng cường tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong thẩm định nguồn vốn. Để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo chất lượng việc thẩm định nguồn vốn, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được văn bản của Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan, hoàn thành việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư công theo quy định.
Về thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt dự án; tổ chức quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục về thiết kế cơ sở, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đồng thời, rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc miễn giấy phép xây dựng đúng pháp luật đối với các dự án của các cơ quan trung ương.
Về giao và phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2016, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ để giao hết kế hoạch vốn trước ngày 15/7/2016.
Các bộ được giao là mục tiêu quốc gia và các đơn vị có liên quan cần đẩy nhanh việc dự thảo các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn.
Xử lý vướng mắc phát sinh
Việc đưa ra giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư được coi là “linh hồn” của Nghị quyết. Tại phần này, Bộ Tài chính đã có nhiều góp ý rất xác thực xuất phát từ những chuyến đi thực tế để nắm bắt những khó khăn vướng mắc từ cơ sở.
Theo đó, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm, về phía Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình. Đồng thời, các đơn vị này cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại ra các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm.
Các bộ, ngành cũng cần chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2016 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác trong cùng ngành và lĩnh vực được giao. Đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền sau khi thực hiện điều chuyển.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất cần theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương; đến ngày 30/9/2016, đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 giữa các bộ, ngành từ đơn vị giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu và khả năng giải ngân cao so với kế hoạch vốn năm 2016. Bên cạnh đó, theo dõi sát tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian 4 ngày làm việc, cũng như phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.
Về hồ sơ giải ngân thanh toán vốn đầu tư, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ giao cho Bộ tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn về kiểm soát chi và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ theo hướng đơn giản hóa các thủ tục và phù hợp với các quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2016./.
Bên cạnh các góp ý về chuyên môn nghiệp vụ, Bộ Tài chính cũng đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn chi tiết tới các đơn vị cơ sở. Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.