Tiếp thêm lực để nâng cao hiệu quả xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp


“Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm; công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiểm soát, hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động...” là những nguyên tắc đặt ra tại dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Việc sớm ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo động lực cho DATC phát huy vai trò, vị thế và hiệu quả trong xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Yêu cầu từ thực tiễn

Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN) được thành lập theo Quyết định số 109/2013/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ chính của DATC ban đầu được Chính phủ giao gồm: Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản loại trừ không tính vào giá trị DN khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ; Mua và xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng theo cơ chế thị trường… Như vậy, việc thành lập DATC nhằm tạo động lực thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.

Sau gần 15 năm hoạt động, DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng. Qua đó, DATC đã hỗ trợ khoảng 3.000 DN xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng cũng như để tái cấu trúc phục hồi kinh doanh. Hoạt động của DATC đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN trong thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh những năm gần đây, DATC đã tham gia rất tích cực và hiệu quả trong việc xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, trở thành “bà đỡ” cho nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản phục hồi trở lại sản xuất kinh doanh, niêm yết trên sàn chứng khoán...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh mới, với nhu cầu xử lý nợ ngày càng lớn, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mua bán nợ và những đỏi hỏi đặt ra là cần có sự đổi mới về cơ chế hoạt động của DATC để Công ty phát huy được vai trò, vị thế trong xử lý nợ, tái cơ cấu DN. Thực tiễn hoạt động của DATC cho thấy, đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cùng với những thay đổi mới về tình hình thị trường mua, bán nợ cũng như các cơ chế chính sách so với tổ chức tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của DATC như Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được thực hiện đã phát sinh một số vấn đề bất cập cho hoạt động của DATC. Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC là cần thiết để đảm bảo đúng mục tiêu là công cụ xử lý nợ, hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN....

Tăng lực để phát huy vị thế

Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC được Bộ Tài chính công bố, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá  nhân trong xã hội với nội dung cụ thể sau:

Dự thảo Nghị định bổ sung chức năng DATC là công cụ của Chính phủ tham gia “xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước” để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về  một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu  và Quyết định số  1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".

Hiện nay, các hoạt động chính của DATC gồm: Tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản; Mua, bán, xử lý nợ và tài sản; Tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ; Quản lý, khai thác, xử lý tài sản đã mua và tiếp nhận; Thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định đối với DNNN; Cùng với các hoạt động khác. Trước yêu cầu thực tiễn, các quy định này đã không còn phù  hợp, do đó dự thảo quy định:

Báo cáo của DATC cho thấy, ngoài các khoản nợ và tài sản tồn đọng tiếp nhận theo chỉ định, còn có trường hợp DN có một số dự án tồn đọng, do không còn nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nếu để dang dở, sẽ gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước.

Thứ nhất, cho phép DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để phù hợp với quy định hiện nay (Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số  126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN). Đồng thời, cho phép DATC tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước (theo điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo).

Thứ hai, cho phép DATC mua các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định. Theo đó, DATC được tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ, để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.

Báo cáo của DATC cho thấy, ngoài các khoản nợ và tài sản tồn đọng tiếp nhận theo chỉ định, còn có trường hợp DN có một số dự án tồn đọng, do không còn nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nếu để dang dở, sẽ gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước. Việc bổ sung quy định DATC có chức năng tiếp nhận các tài sản, dự án tồn đọng để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước sẽ gia tăng và linh hoạt, đa dạng các phương án xử lý hiệu quả đối với các đối tượng này. Nội dung này cũng phù hợp với quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 38 Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.  

Thực tế, tại một số DN mà DATC thực hiện tiếp nhận hoặc mua, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định thì có một số dự án tồn đọng, tuy nhiên do chưa có cơ chế nên DATC chưa thực hiện việc tiếp nhận hay mua lại các dự án này để tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước. Ngoài ra, nội dung bổ sung này cũng phù hợp với nhiệm vụ được giao khi thành lập DATC là xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản tồn đọng góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính DN.

Tóm lại, nếu được Chính phủ thông qua, các quy định bổ sung tại Dự thảo Nghị định này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động mua bán, xử lý nợ, tài sản của DATC, góp phần tích cực vào tái cơ cấu DN.