Bộ Tài chính nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ mới cho người dân, doanh nghiệp

Huyền Thu

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Điển hình là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...

Đầu năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn sẽ đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thực tế để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, ngân sách nhà nước đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc xin tiêm phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ đã huy động được hơn 8.400 tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đảm bảo mua đủ 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số cả nước.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhiều mặt hàng nguyên vật liệu tăng giá mạnh, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước; cũng như kéo dài Chương trình ưu đãi thuế đối với một số doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Những gói hỗ trợ này sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giúp doanh nghiệp quay trở lại đóng góp cho ngân sách một cách bền vững.