Bộ Tài chính phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả ngày càng rõ nét hơn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đã được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ, qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của ngành Tài chính trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số.
Ưu tiên đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của Ngành trong năm 2023 theo Quyết định số 776/QĐ-BTC với mục tiêu tập trung chỉ đạo, điều phối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.
Về chỉ số CCHC (PAR Index), theo kết quả công bố tại phiên họp ngày 19/4/2023 về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.
Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 30/6/2023, tổng số DVCTT thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ là 786, trong đó có 408 DVCTT một phần và 378 DVCTT toàn trình. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích hợp 300 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 101 DVCTT lĩnh vực thuế, 98 DVCTT lĩnh vực hải quan, 9 DVCTT lĩnh vực kho bạc nhà nước, 36 DVCTT lĩnh vực chứng khoán, 56 DVCTT lĩnh vực tài chính chung.
Hiện nay, 100% DVCTT lĩnh vực kho bạc đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh qua DVCTT đạt trên 99,6% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS.
Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Trong 6 tháng đầu năm, đã xử lý trên 9 triệu hồ sơ của 901,8 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%).
Trong lĩnh vực hải quan, đã kết nối 13/14 bộ, ngành, với 250 TTHC được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 62 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với 9 nước trong khu vực ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT của Bộ Tài chính năm 2023 trước khi ban hành.
Tích cực triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư
Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành Quyết định số 455/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai Đề án 06/CP năm 2023 của Bộ Tài chính.
Ngày 22/12/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2022/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế đối với cá nhân khi triển khai sử dung số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế.
Về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về tài chính, Bộ Tài chính cho biết, CSDL về tài chính gồm 12 CSDL chuyên ngành, trong đó 09 CSDL đã hoàn thành triển khai, 03 CSDL đang tiếp tục thực hiện. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành Thuế, Hải quan.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, toàn Ngành sẽ quyết liệt nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, giữ vững vai trò tiên phong trong lộ trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Theo đó, Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, triển khai Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số; Xây dựng, triển khai các ứng dụng/hệ thống thông tin/dữ liệu dùng chung, nền tảng công nghệ dùng chung phục vụ tích hợp, liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành.
Đồng thời, rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đáp ứng yêu cầu xây dựng DVCTT trên môi trường mạng theo các mức độ quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tài chính, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính kết nối, tích hợp theo thời gian thực với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị thuộc Bộ và Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục vận hành, phát triển hoàn thiện Trục liên thông văn bản quốc gia ổn định tiến tới nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu số kết nối các thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính với các Bộ, ngành, địa phương, đảm bảo phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính ý thức cao về vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt là kết nối liên thông dữ liệu dân cư. Khi tập trung kết nối liên thông vào dữ liệu dân cư thì sẽ kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân phục vụ công tác quản lý thuế. Theo đó, Bộ Tài chính đã phân công rõ từng nhiệm vụ cần thực hiện, triển khai ngay các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP đề ra. Trong đó tập trung rà soát lại chính sách, đặc biệt là thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán… ; Kiểm tra, rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin để kịp thời nâng cấp; Rà soát lại dữ liệu, đảm bảo chính xác, số liệu phải sạch, kịp thời.