Bộ Tài chính tiếp tục trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính
9 năm liên tiếp (từ năm 2014-2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) với kết quả đạt 89,76%. Đây là thông tin được công bố tại Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Thêm nhiều chuyển biến tích cực
Theo kết quả được công bố, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%. Trong đó, các chỉ số cụ thể lần lượt là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 98,27%; Cải cách thể chế đạt 83,47%; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 92,70%; cải các tổ chức bộ máy đạt 90,19%; cải cách chế độ công vụ đạt 81,57%; CCHC công đạt 96,28% và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số đạt 90,38%.
Cụ thể, với Chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Bộ Tài chính đạt 98,27%, đã cho thấy nỗ lực thường xuyên, liên tục của Bộ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, về chỉ số về cải cách TTHC của ngành Tài chính, năm 2022, chỉ số này đã tăng lên 5,38% so với năm 2021 (năm 2021 là 87,32%). Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 134 TTHC; đơn giản hoá 169 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Hiện nay, tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 800 TTHC, đã giảm 96 TTHC so với cùng kỳ năm 2021 (tương ứng khoảng 12%).
Những nỗ lực trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy trong thời gian qua của Bộ Tài chính cũng đã được thể hiện rõ qua kết quả đạt được với chỉ số cải cách tổ chức bộ máy đạt 90,19% trong năm vừa qua.
Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%. Điều này cho thấy rõ vai trò tiên phong của Bộ Tài chính trong quản lý và thực hiện các quy định pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, chỉ số xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ Tài chính trong năm 2022 cũng tiếp tục đạt cao trên 90%. Với việc xác định “đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số” là một trong các đột phá trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc.
Có thể thấy rằng, kết quả đánh giá Chỉ số CCHC 2022 (PAR Index) năm 2022 chính là công cụ quản lý quan trọng và là thước đo giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ Tài chính nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung.
Đặc biệt, việc đánh giá PAR Index đã nâng cao mức độ cá thể hóa trách nhiệm tới từng cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh CCHC
Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường CCHC nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cũng hướng đến mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách TTHC, đặc biệt là những TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không cần thiết, không còn phù hợp. Theo đó, đảm bảo đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn Ngành thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc.
Ngành Tài chính xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC trong lĩnh vực tài chính, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong Ngành và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ xác định công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị và là trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị, để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực triển khai nhiệm vụ CCHC theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.