Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết 60 đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Ngay sau khi Nghị quyết 60/NQ- CP của Chính phủ được ban hành về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Bộ Tài chính đã rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này từ nay đến cuối năm.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, cụ thể giao Vụ Đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN), Vụ Pháp chế, Vụ Ngân sách nhà nước rà soát và ban hành Thông tư số 108/2016/TT- BTC sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 08/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016).
Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương đang kiến nghị, góp phần đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đầu tư công và góp phần tăng trưởng GDP theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giao Vụ Đầu tư phối hợp với KBNN để ban hành công văn số 3171/KBNN- KSC ngày 18/7/2016 của KBNN hướng dẫn các KBNN tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm soát thanh toán theo Thông tư 108/2016/TT- BTCvà các nội dung khác theo Nghị quyết số 60 (giải ngân trong thời gian 4 ngày làm việc).
Đặc biệt, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Vụ Đầu tư đã đề xuất sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ- CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, quy định của Nghị định59/2015/NĐ- CP là cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng- Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định dự án nhóm A. Dự án nhóm B trở xuống do các bộ, cơ quan trung ương quyết định đầu tư.
Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình chuyên ngành chủ trì thẩm định dự án từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh (trừ các dự án ở trường hợp trên).
Quy định này sẽ dẫn tới tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn, chậm trễ trong việc tổ chức thực hiện dự án của các bộ, ngành, địa phương.
Từ bất cập này, Vụ Đầu tư đã đưa ra đề xuất, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở dự án nhóm A.
Việc thẩm định dự án và thẩm định thiết kế cơ sở dự án từ nhóm B trở xuống do cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc người quyết định đầu tư thực hiện.
Lý do đưa ra đề xuất này, theo Vụ Đầu tư là do hiện nay, công chức của các bộ, ngành, địa phương đã được chuẩn hóa và trình độ năng lực của công chức tương đối cao, có đủ khả năng thẩm định các dự án đầu tư.
Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng thuộc dự án sử dụng vốn NSNN, Nghị định 59/2015/NĐ- CPcó quy định, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chủ đầu tư, do số lượng dự án đầu tư xây dựng hàng năm tại các địa phương lớn, trong khi lực lượng cán bộ của cơ quan chuyên môn tại các bộ, ngành, địa phương là có hạn. Vì vậy, đã làm chậm tiến độ thẩm định thiết kế, dự toán, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân vốn.
Do đó, Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cũng đưa ra đề xuất phải rà soát, nghiên cứu phân cấp việc thẩm định thiết kế, thẩm định dự toán xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Cụ thể, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng đối với dự án nhóm A, công trình cấp đặc biệt, công trình do Thủ tướng Chính phủ giao.
Cơ quan thuộc các bộ, cơ quan trung ương tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng đối với dự án nhóm B trở xuống do mình quyết định đầu tư (ủy quyền hoặc giao cơ quan cấp dưới trực tiếp là chủ đầu tư thực hiện, thuê tư vấn thẩm tra làm cơ sở thẩm định)....
Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng đối với dự án quy mô từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.../.