7 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã kiểm soát chi khoảng 513.138,4 tỷ đồng
Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực nhưng cũng còn một số khó khăn, thách thức, bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu và môi trường biển; tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán miền Trung, Tây Nguyên; giá dầu thô thế giới tiếp tục ở mức thấp;…. đã tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống cũng như việc thực hiện những giải pháp chủ yếu của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Trước tình hình đó, Chính phủ tiếp tục đề ra một số giải pháp nhằm tổ chức, điều hành, quản lý chi từ ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.Đồng thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công, …. thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ như:
Chị thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016...
Vì thế, vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm soát chi NSNN của KBNN đòi hỏi ngày càng cao; bên cạnh việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật hiện hành, cơ chế, chính sách đã quy định, hệ thống KBNN còn phải bám sát chỉ đạo, điều hành hàng năm của Chính phủ, Bộ Tài chính về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với tinh thần đó, ngay từ đầu năm, hệ thống KBNN đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Thời gian qua, Tổng Giám đốc KBNN đã ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2016 và nhiều văn bản để quán triệt, chỉ đạo hệ thống KBNN kiểm soát chi chặt chẽ nhất là các nội dung chi mua sắm tài sản; chi mua ô tô; chi thường xuyên duy trì hoạt động của các cơ quan đơn vị; các khoản chi từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thuộc kế hoạch năm 2016; một số nội dung mới, cần lưu ý trong việc thực hiện các Thông tư mới của Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực thi hành trong năm 2016;….
Đặc biệt là các nội dung chỉ đạo hệ thống KBNN, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 22/CT-TTg, theo đó, các đơn vị KBNN cương quyết từ chối không thanh toán đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật đấu thầu (trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện). Đồng thời, thực hiện hạch toán chuyển số kinh phí chênh lệch giữa dự toán giao đầu năm và dự toán điều chỉnh giảm, để bổ sung dự phòng ngân sách các cấp.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN đã thực hiện tốt vai trò của mình thông qua việc xây dựng cơ chế về kiểm soát các khoản chi thường xuyên của NSNN qua KBNN, đây là một trong những quy định về nguyên tắc, hồ sơ, thủ tục, thời gian kiểm soát chi thường xuyên,.... mà Bộ Tài chính đặt ra để các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải tuân thủ. Đồng thời, KBNN thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu của các đơn vị đơn vị trên cơ sở hồ sơ, tài liệu các đơn vị gửi đến.
Trong năm 2016, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc xây dựng cơ chế kiểm soát chi NSNN qua KBNN đã đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính theo đúng lộ trình, đề án của Chính phủ, Bộ Tài chính, đảm bảo hồ sơ, thủ tục, nội dung kiểm soát chi đơn giản, rõ ràng, minh bạch, đồng thời tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Đối với chi đầu tư, Kho bạc Nhà nước đã tích cực và có nhiều ý kiến tham gia với Bộ Tài chính trong việc xây dựng cơ chế về quản lý, kiểm soát chi vốn đầu tư XDCB theo hướng cải cách mạnh mẽ, từ việc cải cách quy trình nghiệp vụ đến nguyên tắc kiểm soát thanh toán và đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính về hồ sơ, tài liệu thanh toán vốn đầu tư,…. Điều đó đã đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu kiểm soát chi đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương thức quản lý theo Luật Đầu tư công.
Để phổ biến kịp thời các quy định mới của Bộ Tài chính, nhất là sự thay đổi liên quan đến hồ sơ, thủ tục kiểm soát chi, tháng 4/2016, hệ thống KBNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai các nội dung này đến toàn thể cán bộ chủ chốt của KBNN các cấp liên quan đến công tác kiểm soát chi của KBNN như: Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN;
Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 113/2008/TT-BTC về quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN; Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016; Thông tư số 108/2016/TT-BTC; …. qua đó đã nắm bắt được một số vướng mắc từ cơ sở trong việc thực hiện kiểm soát chi NSNN theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và đặc biệt là khi triển khai thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, KBNN đã tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2016.
Toàn cảnh Hội thảo cơ chế giải ngân và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý giải ngân vốn ODA do WB tài trợ
Ngoài ra, hệ thống KBNN luôn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, coi đây là một bước cuối cùng để rà soát, kiểm tra nội bộ việc tuân thủ các quy định của nhà nước, tuân thủ quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN của từng cán bộ KBNN trong quá trình thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, những tồn tại trong quá trình kiểm soát chi NSNN, từ đó, có những biện pháp để chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát chi NSNN của hệ thống KBNN, đồng thời là cơ sở để hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và báo cáo Bộ Tài chính để sửa đổi cơ chế quản lý, kiểm soát chi NSNN cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó, việc triển khai Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ cũng được KBNN triển khai rất chủ động và khẩn trương, chỉ trong 10 ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, KBNN đã ban hành công văn hướng dẫn KBNN tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung của Nghị quyết, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, cụ thể:
Thứ nhất, chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 của từng dự án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, các cơ quan ban ngành và các chủ đầu tư tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là những dự án chưa giải ngân, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%), dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Thứ hai, định kỳ hàng quý, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tổng hợp kết quả tọa đàm và vướng mắc của chủ đầu tư, báo cáo UBND tỉnh, đồng báo cáo gửi KBNN để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong đó có nội dung đáng lưu ý là đến ngày 30/9/2016 hoặc theo yêu cầu của chủ đầu tư, KBNN các cấp phải thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu giải ngân vốn đầu tư đối với từng dự án; đảm bảo chính xác, kịp thời để phục vụ việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 và đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương.
Thứ ba, hàng tháng thực hiện công khai với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án về tình hình giải ngân vốn đầu tư XDCB, thông qua đó để các đơn vị nắm được tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư của đơn vị mình quản lý để có biện pháp điều chỉnh phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại từng đơn vị.
Song song với việc công khai tình hình giải ngân, KBNN yêu cầu các tỉnh, thành phố, định kỳ 2 tuần một lần, báo cáo KBNN về tình hình giải ngân vốn đầu tư chi tiết đến từng dự án và tình hình tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư XDCB thuộc kế hoạch vốn được giao hàng năm, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 sát thực tế đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Với những nỗ lực đó, 7 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã kiểm soát khoảng 513.138,4 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên 401.766 tỷ đồng, đạt 48% dự toán năm 2016; chi đầu tư 111.372,4 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao. Thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, 7 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã từ chối các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án với số tiền khoảng 23 tỷ đồng, số tiền từ chối này là do các đơn vị đề nghị thanh toán chưa đúng chế độ quy định của pháp luật hiện hành và chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán theo quy định của Bộ Tài chính.
Như vậy, với vai trò “người lính gác cổng cuối cùng của chu trình quản lý chi ngân sách nhà nước” đối với toàn bộ các khoản chi NSNN được Chính phủ giao nhiệm vụ kiểm soát chi qua KBNN, trong thời gian qua, hệ thống KBNN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng khẳng định, vị trí, trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác kiểm soát chi NSNN trước bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước gặp không ít khó khăn.
Song hệ thống KBNN luôn bám sát vào các quy định hiện hành của nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính để thực hiện kiểm soát chi NSNN đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng và hệ thống KBNN luôn đảm bảo đầy đủ số tồn ngân để đáp ứng nhu cầu thanh toán chi trả vốn đầu tư theo đề nghị của các chủ đầu tư tại mọi thời điểm; tất cả các hồ sơ do chủ đầu tư gửi đến đều được KBNN kiểm soát chi và đủ điều kiện thì được giải ngân kịp thời, không để tồn đọng hồ sơ tại các đơn vị KBNN.