Bộ Tài chính yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp
Ngày 11/7/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký Công văn số 9179/BTC-TTr về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (DN) theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ được giao chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Các đơn vị có trách nhiệm rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của mình đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên; Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra và báo cáo về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ).
Đối với các trường hợp chồng chéo trong kế hoạch thanh tra thuộc ngành Tài chính tại đối tượng thanh tra thực hiện theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu định kỳ hàng quý (trước ngày 20 tháng cuối mỗi quý), các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ) để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; Thời gian thanh tra kéo dài, nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; Chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể...
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN.
Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.
Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng yêu cầu cần chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; Nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; Chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.
Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; Công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất...
Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị...