Bước chuyển cho doanh nghiệp thời hậu Covid
Sản xuất công nghiệp trong quý II tăng trưởng khá là minh chứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt được duy trì và đang dần phục hồi, dù cho “bóng ma” Covid-19 vẫn còn đó. Tuy nhiên, để nâng sức chống chịu cho doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là chuyển từ trạng thái “tồn tại” sang “phát triển” trong thế giới hậu Covid.
Ngày 7/7, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho biết, nhờ vào việc lường trước khó khăn, tận dụng cơ hội từ giá dầu tăng, nên trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp (DN) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính từ 6-35%, tăng 3-12% so với cùng kỳ năm trước.
Đà phục hồi sản xuất công nghiệp
Cụ thể, tổng doanh thu trong 6 tháng qua của PV Gas ước đạt 37.487,3 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch 6 tháng (bằng 112% so với cùng kỳ năm 2020). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.401,1 tỷ đồng, tương ứng bằng 120% và 103%.
Rõ ràng, đây là kết quả rất đáng khích lệ ở một DN nội địa thuộc ngành dầu khí trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại trong nước, có tác động, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Không những vậy, giá dầu, giá khí có nhiều biến động mạnh, nhu cầu huy động khí của khách hàng thiếu ổn định, ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước...
Dù đối mặt rất nhiều thách thức lớn, để có được kết quả sản xuất kinh doanh vượt mức các chỉ tiêu như trên, PV Gas đã phải tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kiểm soát dịch Covid-19 phù hợp nhằm đảm bảo mọi hoạt động diễn ra liên tục, rà soát và từng bước số hóa, đơn giản hóa hệ thống quản lý, thực hiện các giải pháp tăng cường tiết giảm chi phí…
Tương tự, không ít DN nội địa thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn đang cho thấy sức chống chịu tốt trước đại dịch và có doanh thu, lợi nhuận khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.
Theo đó, báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ ở quý II/2021 của một số DN trong nhóm xăng dầu, ngành thép đều đồng loạt ghi nhận tăng trưởng dương.
Đơn cử, ở mảng xăng dầu, do giá dầu tăng và chênh lệch giá xăng sản phẩm nên doanh thu của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) 6 tháng đầu năm nay ước tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 49,5 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận ròng ước đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng. Kết quả này hoàn toàn trái ngược so với bức tranh ảm đạm hồi cùng kỳ năm ngoài khi có mức lỗ 4,26 nghìn tỷ đồng.
Nhìn từ kết quả khả quan của hai DN lớn nêu trên và xét về tình hình chung, theo nhận định mới đây từ Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyển từ “tồn tại” sang “phát triển”
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020.
Những "con số biết nói" này như “liều thuốc” tiếp sức cho các DN Việt vượt qua giai đoạn khó khăn trước tác động của dịch Covid-19 đợt 4 để có thể nỗ lực hoàn thành các mục tiêu về sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021.
Đặc biệt là trong bối cảnh từ đầu năm đến nay có nhiều DN mới gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động và cũng có nhiều DN phải rời khỏi thị trường do khó khăn chồng chất.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 67,1 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số DN, tăng 34,3% về vốn đăng ký. Đồng thời, còn có 26,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo giới chuyên gia, khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, tác động tiêu cực, tạo nhiều rủi ro trên thị trường, để các DN Việt hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh hoặc ít ra là nâng được sức chống chịu, đòi hỏi nhiều hơn nữa ở tư duy và năng lực của lãnh đạo DN, đặc biệt là trong thế giới hậu Covid.
TS. Seng Kok, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp tại Đại học RMIT cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam nhấn mạnh vào giá trị mà đổi mới sáng tạo có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế cũng như việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong thế giới hậu Covid. Vì thế, đổi mới ngày càng được xem là một trong những yếu tố quan trọng khi DN Việt chuyển từ trạng thái “tồn tại” sang “phát triển”.
Nói cách khác, theo TS. Seng Kok, tư duy đổi mới và khả năng lãnh đạo sáng tạo của DN sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Các lãnh đạo DN không thể có đổi mới hay sáng tạo nếu như thiếu đi tư duy thách thức hiện trạng và chấp nhận rủi ro. Đồng thời, vị chuyên gia của RMIT đề xuất một số tư duy đổi mới sáng tạo quan trọng mà lãnh đạo DN cần cân nhắc. Chẳng hạn như đừng hài lòng với hiện tại mà hãy “đứng ngồi không yên”, hoặc là dùng xung đột sáng tạo tích cực làm phương tiện để thúc đẩy các ý tưởng mới, nhận ra sự đa dạng trong các ý tưởng đều là cơ hội…