Bước khởi đầu để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh
Việc thực hiện Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ghi nhận, đánh giá tích cực ở các khâu như: lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, quản lý chi phí, quản lý tiến độ, quản lý chất lượng cơ bản...
Hiện thực hóa các mục tiêu đề ra
Tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của Chương trình là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, cụ thể như ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này.
Đáng chú ý, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra 4 nhóm mục tiêu cơ bản, trong đó, điểm nổi bật nhất là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, khẳng định rất rõ giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã xây dựng khung khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện, khuyến khích với cơ chế ưu đãi; đồng thời đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Các đơn vị được bố trí vốn đã cố gắng thực hiện các mục tiêu
Thông qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 do KTNN thực hiện năm 2021, cơ quan này cho biết, tổng số vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 được duyệt là 15.866 tỷ đồng, gồm 15.470 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 396 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 15.223 tỷ đồng; đã bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng và giải ngân là 12.365 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp dự kiến bố trí là 357 tỷ đồng, số đã giao là 231 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương đã giải ngân là 1.658 tỷ đồng.
KTNN đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì triển khai Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 theo nhiệm vụ được giao là chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thẩm định, cân đối và bố trí vốn đầu tư phát triển của Chương trình (trong vai trò chủ Hợp phần Tăng trưởng xanh). Các đơn vị được bố trí vốn thực hiện Chương trình đã có nhiều cố gắng để thực hiện các mục tiêu, nội dung đề ra.
“Các dự án, nhiệm vụ đã hoàn thành góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và tài sản”, KTNN cho biết.
KTNN cũng ghi nhận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt thiết kế - dự toán, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng, quản lý chi phí, quản lý tiến độ, quản lý chất lượng cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt, trong thực hiện không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính đến hết năm 2020, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần hoàn thành một số mục tiêu của dự án chung.
Có thể thấy, những kết quả này mới là bước khởi đầu để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà các nhà khoa học đều đánh giá rằng, mục tiêu của Việt Nam đưa ra vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thu hút các nguồn lực, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và đạt phát thải ròng “bằng 0” vào năm 2050. Quá trình chuyển đổi xanh, trong đó ngành Năng lượng đóng vai trò quan trọng, thì việc chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch các loại hình công nghệ mà cả nền kinh tế. Đối với thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh thì việc huy động nguồn lực, chuyển dịch năng lượng công bằng, giảm phát thải sẽ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, khí nhà kính, tăng trưởng kinh tế bền vững.