Các biến “dễ chịu” trên thị trường tiền tệ


Cả bất ngờ lẫn “dễ chịu”, thị trường tiền tệ đón những chuyển động mới gồm cả những diễn biến thoáng qua…

Những gì vừa diễn ra trong tháng 3 và dự báo cho tháng 4 này trên thị trường tiền tệ Việt Nam có ảnh hưởng rõ nét từ Ngân hàng Nhà nước. Bên ngoài, các yếu tố hỗ trợ cũng đã thể hiện.

"Chủ ý" của Ngân hàng Nhà nước

Chỉ vừa mới một tháng trước, những ngày đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút bớt tiền về, quy mô số dư lũy kế “cất kho” khi đó từng lên tới trên 160.000 tỷ đồng với kỳ hạn phần lớn gối đầu kéo dài tới 91 ngày.

Nhưng, rất chóng vánh, chỉ vài tuần sau, Nhà điều hành chủ ý nới lỏng dần. Trước hết, ngừng hoạt động hút bớt tiền về; nối tiếp và khá bất ngờ, giảm đáng kể một số loại lãi suất điều hành, rồi sau đó có lần giảm mở rộng nối tiếp vừa qua.

Thứ nhất, Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt về định hướng giảm lãi suất. Thứ hai, bức tranh nền kinh tế quý I/2023 cho thấy những thực tế suy yếu và đáng ngại, sau nhiều chỉ báo từ trong năm 2022. Thứ ba, bên ngoài, ngay cả khi loạt ngân hàng trung ương lớn tăng tiếp lãi suất, nhưng tín hiệu đã dịu bớt và điểm cuối của hướng thắt chặt như đã gần hơn.

Như vừa phân tích, Ngân hàng Nhà nước vừa trực tiếp giảm lãi suất, vừa chủ ý để nguồn tiền trên thị trường dư thừa. Lần này, chữ dư thừa không để trong ngoặc kép, bởi tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đã thể hiện; lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng xuyên thủng xuống đầu 0,x%.

Bên cạnh chủ ý của Nhà điều hành, thực tế tăng trưởng GDP quý I cũng đã cho thấy sức cầu suy yếu. Cầu suy yếu cũng thể hiện ở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm tốc, đặc biệt lạm phát cơ bản sau loạt leo thang vượt mốc 5% những tháng trước cũng đã hạ nhiệt… Cầu yếu, bên cạnh điều kiện vay vốn suy giảm, cũng phản ánh ở tăng trưởng tín dụng quý I mới chỉ chớm trên 2%.

Loạt yếu tố trên tạo những biến “dễ chịu” ở lãi suất, quay đầu giảm khá mạnh trên các thị trường, đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng.

Riêng trên thị trường liên ngân hàng, triển vọng “tiền rẻ” chỉ thoáng qua. Sau những phản ứng có phần thái quá, thực tế chi phí cao hơn dần trở lại, đặc biệt là khi các lãi suất điều hành vẫn cao, lãi suất USD cao hơn; lãi suất VND trên thị trường này đã liên tiếp bật mạnh với cấp độ tính bằng lần, ở các kỳ hạn ngắn qua đêm và 1-2 tuần những ngày đầu tháng 4.

Theo dự báo của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), ở chỉ tiêu lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng, trong tháng 4 vẫn còn một số dự báo “lưu luyến” với vùng lãi suất trong khoảng 2-3%, nhưng đa số đều đã nâng dự báo lên trên 4-5%.

Nói cách khác, theo dự báo chung của VIRA, trạng thái lãi suất đang dần hồi lại và cân bằng hơn, ở chỉ tiêu kỳ hạn 1 tuần bình quân dự báo vào khoảng 3,6%/năm cho tháng này - mức khá “dễ chịu”.

Tỷ giá USD/VND đón cung lớn và tín hiệu thuận lợi

Những ngày đầu tháng 4, thị trường ngoại hối với tỷ giá USD/VND cũng đã có chuyển động “dễ chịu”. Giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã thủng mốc 23.450 VND - mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết mua vào.

Diễn biến trên mở ra cánh cửa Nhà điều hành mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và tăng thêm VND cung ứng. Điều này hợp với chủ ý nói trên, tạo thêm điều kiện bình ổn lãi suất, tăng hỗ trợ nền kinh tế khi mà GDP quý I quá thấp.

Trước hết, câu chuyện tỷ giá đã có tín hiệu thuận lợi từ bên ngoài. Sau lần tăng 0,25 điểm phần trăm vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thắp kỳ vọng trên thị trường rằng điểm cuối của quãng thắt chặt đã gần đâu đây.

Song trực tiếp hơn, tỷ giá USD/VND trong nước gắn trọng số cung - cầu trên thị trường. Khi cung có phần lấn át thì ngay cả chênh lệch lãi suất VND - USD rất bất lợi trên thị trường liên ngân hàng, dù ngắn hạn, cũng khó đảo ngược xu hướng.

Bên cạnh đà xuất siêu nối mạnh trên 4 tỷ USD trong quý I, loạt giao dịch vốn ngoại chảy về Việt Nam được chú ý gần đây. Những đầu mối như Vietcombank, SHB, VPBank, SeABank… lần lượt ký loạt hợp đồng tín dụng quốc tế, cũng như thương vụ bán vốn tới khoảng 1,5 tỷ USD của VPBank cho đối tác ngoại, dự kiến sắp tới có thể đến lượt SHB Finance nhập cuộc…

Điểm đến đã định hình, tỷ giá USD/VND “dễ chịu” và Ngân hàng Nhà nước nối khả năng trở lại mua vào ngoại tệ như trên. Dự báo tháng 4 này của VIRA cũng tiếp tục đặt điểm trung bình ổn ở chỉ tiêu tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng, với bình quân dự báo vào khoảng 23.476 VND.

Kỳ vọng một năm bình ổn

Trong kỳ dự báo tháng 4 này, các thành viên của VIRA cũng hướng đến mốc dự báo xa hơn, cho cả năm 2023.

Trước hết, sự ảm đạm của nền kinh tế trong quý I đã xoa dịu hẳn câu chuyện lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát được dự báo sẽ bộc lộ đầy đủ hơn những tháng cuối năm và chuyển tiếp sang năm tới, gắn với kỳ vọng sức cầu trong nền kinh tế dần phục hồi.

Tổng thể cả năm, VIRA dự báo mức tăng của CPI năm nay vẫn sẽ được kiểm soát dưới 4%, bình quân dự báo của các thành viên ở 3,95%; trong khi năm nay Quốc hội đã dự tính áp lực và nới chỉ tiêu kiểm soát lên khoảng 4,5%.

Với lãi suất VND, ở chỉ tiêu kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng, sau hướng “tiền rẻ” chỉ thoáng qua và nhanh chóng cân bằng trở lại, các thành viên VIRA tính toán sự ổn định trong trung hạn; vùng dự báo chỉ trong khoảng 4-5,5%, bình quân dự báo ở 4,24%/năm. Theo đó, kỳ vọng lãi suất sẽ không biến động tăng như đã từng xảy ra trong nửa sau năm 2022.

Tương tự, với tỷ giá USD/VND, kỳ vọng ổn định cũng được nối dài đến cuối năm nay, khi VIRA tính toán mức độ thay đổi so với hiện nay chỉ quanh 1%, bình quân dự báo cả năm ở 23.626 VND mức giao ngay trên thị trường liên ngân hàng. Nếu chỉ thay đổi quanh 1% bình quân cả năm thì tỷ giá sẽ thực sự trở lại quỹ đạo ổn định sau những biến cố bất thường trong năm ngoái.

Theo Minh Đức/nhipsongkinhdoanh.vn