Các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng khi xuất khẩu vào Mexico
Theo số liệu của Viện Thống kê và địa lý quốc gia (INEGI) Mexico, năm 2015 Mexico có gần 5 triệu doanh nghiệp, trong đó 99,8% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tạo ra 52% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 72% việc làm trong nước. Tuy nhiên vấn đề vốn nhập khẩu hàng hóa, là một bài toán khó trong thời gian dài đối với các DNVVN tại Mexico.
Ngày 24/8/2016, trong buổi làm việc với Thương vụ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Mexico và Tập đoàn Ruz (đang giao dịch nhập khẩu balô và đồ chơi thú nhồi bông của Việt Nam), ông Arturo Pérez Behr, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) quốc gia Mexico (ANIERM) cho biết, hiệp hội đã ký hợp đồng với Công ty Đầu tư toàn cầu Yeon (Yeon Worldwide Investment Company), có trụ sở chính tại Thái Lan với khoản hỗ trợ tài chính trị giá 2,8 tỷ USD.
Thông qua hợp đồng này, các nhà nhập khẩu Mexico có thể tiếp cận khoản hỗ trợ tài chính từ Hiệp hội ANIERM và YEON. Dự án này đã góp phần tháo gỡ bài toán về vốn nhập khẩu, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để có thể tiếp cận quỹ này, các doanh nghiệp nhập khẩu Mexico cần phải chấp thuận để YEON kiểm toán các hoạt động mua bán và logicstic của nhà nhập khẩu Mexico, với mục đích xác minh danh tính và sự hiệu quả thông qua nhà cung cấp tại nước ngoài.
Về phần mình, ANIERM sẽ kiểm tra các đơn hàng thực hiện thông qua các khoản tín dụng này có được nhập vào Mexico hay không, để tránh việc sử dụng sai mục đích khoản hỗ trợ tài chính này. Khoản hỗ trợ này dao động từ 2.500 USD đến 18 triệu USD. Các khoản vay có thời hạn từ 6 đến 18 tháng, với lãi suất từ 4,5-8,75%/năm.
Các khoản vay ban đầu sẽ nhỏ, nhưng theo thời gian có thể tiếp cận các khoản vay lớn hơn. Hợp đồng này không có thời hạn và sẽ có giá trị cho đến khi hết khoản hỗ trợ. Giá trị khoản vay phụ thuộc vào đơn hàng của công ty, dao động từ 20-80% giá trị đơn hàng. Liên quan đến việc gia hạn hợp đồng, Chủ tịch ANIERM cho rằng, việc này khả thi nếu các công ty thực hiện đúng các khoản vay và việc giao dịch thành công.
Liên quan đến các doanh nghiệp Mexico nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong thời gian qua có một số doanh nghiệp Mexico nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam (cá tra, gạo) chỉ thanh toán 70%, số còn lại 30% không thanh toán, hoặc hàng đến cảng Mexico nhưng doanh nghiệp Mexico không có khả năng thanh toán, nên doanh nghiệp Việt Nam phải nhận lại hàng (hạt điều).
Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Mexico khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước, cần sử dụng phương thức thanh toán bằng thư tín dụng trả ngay (Irrevocable L/C at sight), không chấp nhận phương thức thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T), ứng trước 30% khi giao hàng, thanh toán 70% khi hàng cập cảng Mexico, phương thức này rất rủi ro.