Các nguồn thu để đảm bảo hoạt động của VCCI có từ đâu?
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 133/2015/TT-BTC Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.10.2015, thay thế Thông tư số 14/1999/TT-BTC trước đó.
áp dụng đối với cơ quan VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị sự nghiệp thuộc VCCI; Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan (UBĐL).
Theo đó, VCCI hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính đặc thù.
Quản lý tài chính đối với VCCI được phân định và hạch toán rõ theo hai loại hoạt động: Các hoạt động xúc tiến và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Vừa được ngân sách cấp, vừa thu từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh
Theo quy định mới tại Thông tư 133, vốn hoạt động của VCCI là vốn được ngân sách nhà nước cấp trong quá trình hoạt động; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến; giá trị tài sản gắn liền với đất và các khoản khác được tính vào vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; vốn bổ sung từ kết quả hoạt động hàng năm theo quy định; các loại vốn khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tư 133 nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; còn lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, VCCI phải tự đảm bảo kinh phí và tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đồng thời, VCCI được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động hàng năm theo các nội dung: Đảm bảo chi hoạt động của UBĐL; hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến; hỗ trợ kinh phí hoạt động và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; các hoạt động khác được ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc hỗ trợ kinh phí.
Về nguồn thu của VCCI cũng bao gồm thu từ hoạt động xúc tiến; doanh thu hoạt động kinh doanh, dịch vụ; doanh thu các hoạt động tài chính; và các hoạt động khác.
Trong đó, nguồn thu từ các hoạtđộng xúc tiến baogồm: Phí gia nhập và hội phí do hội viên đóng góp; thu từ các hoạt động xúc tiến; các khoản đóng góp, tài trợ, quà tặng, quà biếu bằng tiền, hiện vật của các cá nhân, tổ chức cho hoạt động xúc tiến; thu từ tài trợ nước ngoài (theo dự án hoặc viện trợ lẻ); hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động xúc tiến; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật từ hoạt động xúc tiến.
Doanh thu hoạt động kinh doanh, dịch vụ gồm: Các khoản thu từ bán hàng hoá; phát hành sách báo, tạp chí; hoạt động quảng cáo; thu từ việc bán mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (form C/O), phí dịch vụ chứng thực các chứng từ cần thiết khác trong kinh doanh, xác nhận các trường hợp bất khả kháng; các khoản thu khác từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định trong Điều lệ của VCCI.
Doanh thu hoạt động tài chính bao gồm: các khoản thu phát sinh từ hoạt động cho thuê văn phòng và tài sản khác theo quy định của pháp luật; lãi tiền gửi ngân hàng, lãi do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ theo quy định hiện hành; các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật....
Ngoài ra, VCCI còn có các khoản thu từ bán công cụ, dụng cụ đã phân bổ hết giá trị, bị hư hỏng hoặc không cần sử dụng; thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền bảo hiểm được bồi thường, các khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Trích tối thiểu 30% vào Quỹ đầu tư phát triển của VCCI
Về phân phối lợi nhuận, Thông tư quy định, lợi nhuận thực hiện trong năm của VCCI sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, phần lợi nhuận còn lại được bù đắp các khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.
Tiếp đó, số lợi nhuận còn lại sẽ trích tối thiểu 30% vào Quỹ đầu tư phát triển của VCCI và trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi của VCCI. Nếu sau các khoản trích lập, số lợi nhuận vẫn còn thì tiếp tục bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của VCCI.
Thông tư 133 còn cho biết, chế độ kế toán áp dụng đối với VCCI là chế độ kế toán doanh nghiệp. Đồng thời, VCCI chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước của VCCI phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam./.