Các nước đang phát triển châu Á: Làm gì để chuyển dịch sang nhóm thu nhập cao?
(Tài chính) Tại hội nghị Diễn đàn Phát triển châu Á lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam ngày 19/9, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã công bố một chương trình nghị sự phát triển 8 điểm có thể giúp duy trì những lợi ích của tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển trong khu vực.
8 điểm then chốt
Chương trình nghị sự 8 điểm này gồm: An ninh và ổn định chính trị: Các thành tựu trong tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo mà chúng ta phải nỗ lực rất lớn mới có được có thể bị xóa sạch nếu các vấn đề an ninh, bất ổn chính trị xuất hiện. Do đó, cần luôn lưu tâm và dành ưu tiên cho vấn đề này.
Ổn định KTVM: Đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ. Không có nền kinh tế nào có thể phát triển thịnh vượng nếu gặp phải các bất ổn KTVM. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 là cảnh báo không chỉ cho các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã nỗ lực làm việc để củng cố và tăng cường hệ thống tài chính, tài khóa và tiền tệ của họ. Cải cách trong nước là bước cần thực hiện trước tiên, nhưng hợp tác khu vực cũng đóng một vai trò ngày càng quan trọng. Nó giúp xây dựng khả năng phục hồi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong một thế giới ngày càng liên kết mạnh mẽ thì quản lý vĩ mô là rất quan trọng để làm cho nền kinh tế tăng khả năng chống tác động lan tỏa tiêu cực do các cú sốc kinh tế hay những cú sốc khác.
Cơ sở hạ tầng (CSHT): Vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn trong việc phát triển CSHT tại châu Á. Nhu cầu đầu tư cho CSHT là rất lớn, ước tính khoảng 750 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020. Kết nối giao thông thiếu hụt và kém phát triển, giá năng lượng đắt là những vấn đề cấp bách nhất. Chi tiêu công cho CSHT phải tăng lên trong khi các nước cũng cần tập trung vào thúc đẩy mối quan hệ công – tư (PPP). Các CSHT xuyên biên giới – cảng biển, đường sắt và các tuyến đường bộ - là những trọng tâm cần chú ý.
Những lợi ích xuyên biên giới mà Việt Nam thu được từ Chương trình tiểu vùng Mê Kông là minh chứng cho điều này. Ví dụ, sự phát triển của Hành lang kinh tế phía Nam, với việc nâng cấp đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh cũng như cơ chế tạo thuận lợi thương mại và vận tải, đã giúp giảm một nửa thời gian đi lại và thúc đẩy thương mại biên giới lên 70 lần.
Nguồn nhân lực: Khu vực đã đạt được rất nhiều thành tựu trong tăng cường nguồn lực con người. Ví dụ, số năm đi học trung bình đã tăng từ mức 4,2 năm năm 1990 lên 6,6 năm vào năm 2010, qua đó giúp tăng cường lực lượng lao động lành nghề. Nhưng con số ấy rõ ràng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 11,5 ở các nước phát triển trong khu vực.
Chi tiêu công cho giáo dục và y tế ở các nước đang phát triển châu Á cũng chỉ có 2,9% và 2,4% GDP châu Á trong năm 2010, thấp hơn đáng kể so với các mức tương ứng 5,3% và 8% ở các nước tiên tiến của khu vực. Như vậy, những con số này phải tăng lên hơn nữa.
Các cơ chế thương mại và đầu tư thông thoáng: Tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu có thể thúc đẩy bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, thực thi các quy tắc nhất quán và làm sâu sắc hơn sự phát triển của thị trường tài chính để tiết kiệm chảy vào các kênh hiệu quả hơn. Đặc biệt quan trọng là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV, tạo điều kiện để họ tiếp cận tài chính, công nghệ, thị trường và khuyến khích họ tạo việc làm, hỗ trợ tăng trưởng.
Ví dụ ở Đông Nam Á, Cộng đồng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ được thiết lập trong năm tới có thể trở thành động lực để thể chế hóa cho các cơ chế thương mại và đầu tư thông thoáng, giúp duy trì tăng trưởng qua các tiểu vùng.
Quản trị tốt: Nếu không có quản trị tốt, người ta có thể chuyển năng lực và nhiệt huyết của mình dành cho sáng tạo và giải quyết các công việc khó khăn sang những hoạt động không hiệu quả. Ví dụ, người ta ước tính rằng tham nhũng có giá tương đương với hơn 5% GDP toàn cầu. Tham nhũng không chỉ cản trở đầu tư và tăng trưởng, mà còn làm méo mó thu nhập. Ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng, chẳng hạn như Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.
Trong khi những nỗ lực ấy là đáng khuyến khích, thì công cuộc chống tham nhũng tại các quốc gia này cũng vẫn là một hành trình dài. Khuôn khổ pháp lý cần phải được thắt chặt và những khoảng trống pháp lý cần phải được hóa giải. Công tác thực hiện và thực thi pháp luật phải được tăng cường. Ngoài kiểm soát tham nhũng, quản trị tốt còn có nghĩa là phải tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tốt hơn, đồng thời có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân trong các vấn đề quốc gia.
Cam kết vì tăng trưởng toàn diện: Tăng trưởng kinh tế nhanh của các nước phát triển châu Á – được dẫn dắt bởi những tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa, và thị trường theo định hướng cải cách – cũng đi kèm với sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng, cả trong nước và giữa các quốc gia.
Chìa khóa để chống lại sự bất bình đẳng gia tăng là cùng với duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thì đồng thời tăng trưởng phải theo hướng toàn diện hơn thông qua việc hướng sự quan tâm vào những đối tượng đang ít có điều kiện tiếp cận với các cơ hội, dù thông qua việc cung cấp dịch vụ công tốt hơn hay tạo cho họ điều kiện hòa nhập tài chính rộng hơn, đặc biệt là ở các vùng kém phát triển.
Xây dựng một chiến lược kết nối và chia sẻ phát triển quốc gia: Đây chính là sự cần thiết phải xây dựng được một tầm nhìn hay một chiến lược rõ ràng cho sự phát triển được người dân ủng hộ. Trong khi chúng ta biết rằng khu vực tư nhân là động cơ cho sự phát triển ở bất kỳ nước nào, thì trách nhiệm của các chính phủ là phải xây dựng được các chính sách phù hợp với chiến lược quốc gia, ưu tiên hóa các kế hoạch chi tiêu và đầu tư của mình, và phù hợp trong định hướng cho khu vực tư nhân. Chiến lược ấy cần có mang tính hệ thống, thực tế và linh hoạt để sẵn sàng đáp ứng với các hoàn cảnh thay đổi.
ADB có thể giúp cách nào?
ADB sẽ đồng hành cùng chương trình 8 điểm này thông qua các hỗ trợ về tài chính, xây dựng năng lực, chia sẻ kiến thức và đối thoại chính sách. Từ khi thành lập vào năm 1966, ADB đã làm việc với các nước thành viên để giúp thúc đẩy quá trình phát triển. Thời kỳ đầu, những nước được tập trung nhất là các quốc gia có thu nhập thấp và sa lầy trong nghèo đói. ADB đã chứng kiến và đóng góp lớn cho những chuyển đổi đang diễn ra trong khu vực.
Trong hơn bốn thập kỷ qua, ADB tiến bước cùng với các nhu cầu thay đổi của khu vực cũng như những thách thức mới. Chiến lược 2020 của ADB nêu bật ba chương trình chiến lược để đạt được tầm nhìn về khu vực châu Á - Thái Bình Dương không có đói nghèo. Đó là: Tăng trưởng kinh tế toàn diện; Tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường; Hợp tác khu vực và hội nhập.
Đánh giá giữa kỳ gần đây của ADB về Chiến lược 2020 chính là nhằm thích ứng với thực tế hoạt động mới, như vấn đề bất bình đẳng gia tăng, biến đổi khí hậu hay các vấn đề khác mà các nước thu nhập trung bình đang phải đối mặt.
ADB luôn cố gắng để đảm bảo các tài trợ của mình hiệu quả và mang lại kết quả phát triển. Cho vay trực tiếp của ADB chỉ ở mức nhỏ, vì vậy ADB sẽ tăng cường kết hợp cho vay với đòn bẩy và kiến thức.
Và ADB cũng đang cải cách và đổi mới trong tổ chức để phục vụ tốt hơn các quốc gia thành viên. Đơn cử, một văn phòng chuyên về PPP, trực thuộc trực tiếp văn phòng riêng của Chủ tịch ADB đã được thành lập để cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động PPP.
Hay ADB cũng đang cải cách các thủ tục mua sắm và kinh doanh khác để giảm bớt gánh nặng cho các nước thành viên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, ADB cũng đang xem xét trao quyền nhiều hơn cho các Phái đoàn Đại diện của mình tại các nước nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước thành viên.