Các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam quản lý giá chuyển nhượng

Theo Trung Kiên/tapchithue.com.vn

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 vừa qua đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc chống xói mòn cơ sở tính thuế và tiếp cận các nguyên tắc xác định giá chuyển nhượng theo thông lệ quốc tế. Để hiểu rõ hơn về những nội dung này, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam trong thời gian tới, phóng viên đã trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
 
Phóng viên: Xin ông cho biết, qua thảo luận ở hội nghị lần này, các nước thành viên APEC nhìn nhận thế nào về các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS)?
Ông Đặng Ngọc Minh: Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 với sự tham gia của 21 nước thành viên và các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và đặc biệt có Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế - OECD.
Phát biểu của các Bộ trưởng và đại biểu quốc tế, đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạt được nhận thức chung về nguy cơ xói mòn nguồn thu thuế quốc gia, bởi ngành thuế các nước đều đang phải đối mặt với những thách thức từ các hành vi lợi dụng chính sách để giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Những thách thức này đòi hỏi các nước phải cùng hành động và đẩy mạnh hợp tác, sửa đổi chính sách thuế, tránh cạnh tranh thu hút đầu tư, dẫn đến làm suy giảm nguồn thu thuế quốc gia, tạo điều kiện cho các DN tránh, trốn thuế giữa các nước. Vì vậy, tại diễn đàn APEC, 21 các đối tác thương mại và đầu tư lớn trong khu vực và trên thế giới đã đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình hành động BEPS và cơ chế phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế.
Tại tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã hoan nghênh nỗ lực của các thành viên trong chia sẻ kinh nghiệm triển khai các tiêu chuẩn BEPS, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển đối phó có hiệu quả đối với vấn đề chuyển lợi nhuận và suy giảm nguồn thu ngân sách.
Đối với các nước đang phát triển thường sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi do tác động của hành vi chuyển giá. Vậy các tổ chức như WB, OECD đã hỗ trợ thế nào để giúp Việt Nam quản lý tốt hoạt động chuyển giá và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách? 
Tháng 4/2017, Việt Nam đã chính thức là thành viên thức thứ 100 tham gia chương trình BEPS và tới đây sẽ tham gia diễn đàn toàn cầu về trao đổi thông tin cũng như ký kết hiệp định đa phương sửa đổi bổ sung hệ thống hiệp định thuế quốc tế.
Chính vì vậy tại hội nghị lần này, bên lề các cuộc họp chính thức, Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo ngành thuế đã có các cuộc tiếp xúc trực tiếp với tổ chức IMF, WB và OECD; tiếp song phương Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Australia để trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và các kế hoạch hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình BEPS.
Cụ thể, đại diện WB cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải cách chính sách thuế và tổ chức quản lý ngành thuế, trong đó lồng ghép vấn đề nâng cao năng lực hội nhập quốc tế; rà soát chính sách ưu đãi đầu tư theo chuẩn mực chung.
Đối với OECD từ 23-25/10/2017 đã có một đoàn hỗ trợ kỹ thuật giúp Tổng cục Thuế xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện BEPS trong năm 2017, trong đó tập trung vào cơ chế tiếp nhận, trao đổi thông tin liên quan các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam; các biện pháp thanh tra giá chuyển nhượng, tham gia hiệp định thuế đa phương, hợp tác thanh tra qua biên giới, cơ chế xử lý tranh chấp hiệu quả giữa các nước.
Bên cạnh các hoạt động tăng cường trao đổi hợp tác, Việt Nam đã có kế hoạch gì để triển khai các chương trình BEPS (4 tiêu chuẩn tối thiểu) trong thời gian tới?
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự chỉ đạo, quyết tâm của lãnh đạo Bộ Tài chính cho triển khai chương trình hành động BEPS, ngành thuế Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để tham gia các cam kết tối thiểu.
Mục tiêu trước mắt là xây dựng được lộ trình, kế hoạch thực hiện các cam kết; rà soát chính sách ưu đãi đầu tư, sửa đổi quy định cạnh tranh phù hợp với thông lệ quốc tế; tham gia hiệp định thuế đa phương, trong đó ưu tiên tham gia những cam kết cơ bản bắt buộc như các quy định hạn chế lợi dụng ưu đãi theo hiệp định thuế, xử lý tranh chấp và ban hành quy chế về tiếp nhận, trao đổi thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các tập đoàn; tham gia diễn đàn toàn cầu về trao đổi thông tin, giúp nâng cao vị thế ngành thuế Việt Nam trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Xin cảm ơn ông!