Các tổ chức tín dụng lạc quan về tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2017

PV.

Môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định là cơ sở cho các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng đạt được những kết quả kinh doanh khả quan từ nay đến cuối năm 2017.

Các tổ chức tín dụng lạc quan về tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2017. Nguồn: Internet
Các tổ chức tín dụng lạc quan về tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2017. Nguồn: Internet
Đó là kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành về xu hướng kinh doanh quý II/2017 đối với toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, Báo cáo kết quả điều tra cho thấy, tình hình kinh doanh của các TCTD trong quý II/2017 có sự cải thiện tốt và rõ nét hơn so với quý I/2017. Chỉ số cân bằng đang trong xu hướng tăng, 31% cuối quý I/2017 và 38% trong quý II/2017.
Các TCTD khá lạc quan về xu hướng tiếp tục cải thiện trong năm 2017, với 82% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2016, trong đó 25% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.
Dự kiến trong năm 2017, 90,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống TCTD kỳ vọng đạt 13,2%, điều chỉnh giảm so với kỳ vọng 18,65% xác lập tại cuộc điều tra kỳ trước. Trong đó, thu nhập ròng từ dịch vụ và hoạt động tự doanh đều kỳ vọng tăng trưởng khá.
Đối với các nhân tố chủ quan và khách quan trong 6 tháng đầu năm 2017, các TCTD đánh giá đều có sự cải thiện hơn so với cuối năm 2016, trong đó các nhân tố chủ quan được đánh giá cải thiện mạnh hơn khách quan.
Trong các nhân tố chủ quan, yếu tố được cho là cải thiện tích cực nhất là “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD” (với chỉ số cân bằng đạt 41,5%), trong các nhân tố khách quan thì “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD” và “Cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN” tiếp tục được đánh giá là cải thiện hơn các nhân tố khác. Các TCTD kỳ vọng các yếu tố chủ quan và khách quan của môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn trong năm 2017 so với năm 2016.
TCTD nhận định nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2017 có sự cải thiện đáng kể, chỉ số cân bằng về tổng nhu cầu đã tăng từ mức 19,44% cuối quý I/2017 lên 23,16% cuối quý II/2017, trong đó nhu cầu vay vốn tăng rõ nét nhất (25,6% so với 21,43%) sau đó đến nhu cầu tiền gửi (16,6% so với 13,4%).
Thanh khoản toàn hệ thống tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt và cải thiện so với quý trước. Dự kiến trong quý III/2017 và cho cả năm 2017, hầu hết các TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của đơn vị mình tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ.
Đáng chú ý, mức độ lành mạnh của các nhóm khách hàng tiếp tục được các TCTD nhận định cải thiện rõ rệt, với 79% TCTD nhận định rủi ro tổng thể hiện đang ở mức “bình thường”, và có 14% TCTD nhận định rủi ro ở mức “thấp”, chỉ có 7% TCTD lo ngại rủi ro còn ở mức “cao”.
Chỉ số cân bằng về xu hướng rủi ro đã có sự giảm dần. Cụ thể, từ mức 0,61% tại cuộc điều tra cuối quý IV/2016 xuống còn 0,54% cuối quý I/2017 và giảm mạnh xuống còn -3,85% tại cuộc điều tra cuối quý II/2017. 
Trong nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế, được nhận định giảm rủi ro rõ nhất là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau đó đến doanh nghiệp nhà nước.
Trên cơ sở đó, hầu hết các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình trong quý II/2017 “không đổi” hoặc “giảm nhẹ” so với quý I/2017 và tiếp tục kỳ vọng “giảm” trong quý III/2017.
Các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,72% trong quý III/2017 và tăng trưởng 16,02% năm 2017. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân ở mức 5,09% trong quý III/2017, và tăng trưởng 16,33% tính đến cuối năm 2017 so với cuối năm 2016.
Báo cáo điều tra đã ghi nhận, nhìn chung nhận định của các TCTD về tình hình hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng liên tục được cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, quý II/2017 cải thiện rõ nét hơn quý I/2017 và kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong các tháng cuối năm 2017.