Dự thảo cơ chế thực hiện chính sách tín dụng về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

PV.

Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự thảo quyết định áp dụng cho các đối tượng là Ngân hàng Chính sách xã hội; Các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (sau đây gọi là các tổ chức tín dụng); Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (sau đây gọi chung là khách hàng vay vốn);

Đồng thời áp dụng với các đối tượng vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (sau đây gọi chung là khách hàng vay vốn); Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về điều kiện được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, Dự thảo Quyết định nêu rõ đối với các tổ chức tín dụng các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Thứ hai, đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật;

Thứ ba, là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Trường hợp các khoản cho vay bao gồm cả gốc và lãi bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ  thì không được cấp bù chênh lệch lãi suất đối với khoảng thời gian vay bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ, trừ trường hợp các khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng là sự kiện gây rủi ro, thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép được gia hạn nợ theo quy định.

Trường hợp khách hàng vay vốn đã trả hết phần nợ quá hạn và khoản cho vay được xác định trở lại trạng thái trong hạn (khách hàng trả nợ đúng hạn từ kỳ trả nợ tiếp theo) thì khách hàng tiếp tục được cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định này.

Về mức chênh lệch lãi suất cấp bù, dự thảo đề xuất 2 phương án:

Phương án 01: Lãi suất cho vay tham chiếu là mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của từng tổ chức tín dụng. Theo đó, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được xác định như sau: Đối với cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của tổ chức tín dụng trừ đi mức lãi suất cho vay theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Đối với cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của tổ chức tín dụng trừ đi mức lãi suất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Trường hợp các tổ chức tín dụng không có quy định lãi suất đối với khoản cho vay có thời hạn cho vay dài tương ứng với thời hạn cho vay thực tế của khoản cho vay phù hợp với quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, để xác định mức chênh lệch lãi suất cấp bù, các tổ chức tín dụng sử dụng mức lãi suất cho vay áp dụng đối với khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thời hạn cho vay ngắn hơn gần nhất với thời hạn cho vay thực tế của khoản cho vay. Khi lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thay đổi, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính về mức lãi suất cho vay thấp nhất của các kỳ hạn để làm căn cứ xác định mức cấp bù lãi suất.

Phương án 02: Lãi suất cho vay tham chiếu là mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố. Theo đó, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được xác định như sau:

Đối với cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố trừ đi mức lãi suất theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Đối với cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố trừ đi mức lãi suất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Khi lãi suất cho ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực có thay đổi, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho Bộ Tài chính về mức lãi suất cho vay để làm căn cứ xác định mức cấp bù lãi suất.

Dự thảo cũng đề xuấtBộ Tài chính tiến hành thẩm tra số liệu đề nghị quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất của các tổ chức tín dụng trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất của các tổ chức tín dụng và các tổ chức tín dụng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ quyết toán theo quy định sau:

Một là, Báo cáo tổng hợp số liệu đề nghị quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất của từng khoản cho vay đã được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập hoặc Kiểm toán Nhà nước theo Phụ lục 01/BC ban hành kèm theo Quyết định này.

Hai là, Công văn đề nghị Bộ Tài chính quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất, trong đó số đề nghị quyết toán không vượt quá số liệu đã được cơ quan kiểm toán xác nhận.

Ba là, Các tài liệu (bản chính hoặc bản sao do tổ chức tín dụng đóng dấu sao y) bao gồm: hợp đồng tín dụng, khế ước hoặc các giấy tờ tương đương để xác định đối tượng khách hàng vay vốn, tình hình thực hiện cho vay, dư nợ, thu nợ; thiết kế - dự toán xây dựng nhà ở xã hội, hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, phương án cải tạo, sửa chữa nhà để ở; các văn bản báo cáo Bộ Tài chính về mức lãi suất cho vay thấp nhất để làm căn cứ phê duyệt quyết toán số cấp bù chênh lệch lãi suất vay vốn. Các tài liệu này được các tổ chức tín dụng lưu trữ tại trụ sở chính để phục vụ cho công tác thẩm tra quyết toán trong trường hợp cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của hồ sơ quyết toán và số liệu đề nghị ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.