Các ưu tiên cải cách quản trị công ty ở Việt Nam
Quản trị công ty (QTCT) tốt ngày nay được xem là một trong những yếu tố cơ bản để đánh giá sức khỏe của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết (DNNY) nói riêng, đồng thời là chìa khóa để phát triển khu vực kinh doanh bền vững.
QTCT tốt không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp giảm thiểu các rủi ro hệ thống cũng như rủi ro phi hệ thống đối với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng.
Một số vấn đề về QTCT
QTCT có thể được định nghĩa là hệ thống theo đó các công ty được quản lý và kiểm soát thông qua các mối quan hệ giữa ban lãnh đạo công ty, hội đồng quản trị (HĐQT), các cổ đông và các bên liên quan khác. QTCT cũng tạo ra một cơ cấu để đề ra các mục tiêu của công ty và xác định các phương thức để đạt được mục tiêu cũng như thiết lập cơ chế giám sát kết quả hoạt động của công ty.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): “QTCT liên quan đến tập hợp các mối quan hệ giữa ban quản lý, cổ đông và các bên liên quan. QTCT cũng cung cấp cấu trúc thông qua các mục tiêu do doanh nghiệp thiết lập, cũng như các phương thức thực hiện và giám sát để đạt mục tiêu đề ra”.
Thông thường có hai cách tiếp cận trong QTCT, một là dựa trên các quy định của pháp luật, theo đó các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ các quy định về QTCT và phải báo cáo về các hoạt động đảm bảo tuân thủ. Hai là, QTCT dựa trên các quy tắc được chấp nhận chung, bộ quy tắc này thường được kèm theo các hướng dẫn để thực hiện QTCT tốt, theo đó các doanh nghiệp công bố thông tin về việc áp dụng các quy tắc này.
Cần phân biệt giữa khái niệm QTCT và quản lý doanh nghiệp. QTCT tập trung vào các cơ cấu và các quy trình của công ty nhằm đảm bảo sự công bằng, tính minh bạch, tính trách nhiệm và tính giải trình. Trong khi đó, quản lý doanh nghiệp tập trung vào các công cụ cần thiết để điều hành doanh nghiệp.
QTCT tốt khi tạo được các mối quan hệ giữa ban điều hành doanh nghiệp với nhà đầu tư, với cơ quan quản lý, cổ đông lớn và các bên liên quan. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, QTCT tốt không chỉ liên quan đến nội bộ doanh nghiệp hay chỉ riêng khu vực doanh nghiệp mà còn có mối qua hệ sâu sắc với việc phát triển kinh tế, ổn định thị trường tài chính và hoạt động của TTCK.
Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách hiện nay ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu, cải tiến các phương pháp quản trị tốt hơn nhằm mục tiêu ổn định thị trường tài chính, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Thực trạng QTCT của các DNNY tại Việt Nam
Tại Hội thảo “Các vấn đề từ QTCT yếu kém và vai trò của kiểm toán nội bộ” do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp cùng CPA Australia tổ chức ngày 11/5/2017 tại Hà Nội, ông Mark Chau, Giám đốc Khu vực phụ trách thị trường quốc tế và các thị trường mới nổi của CPA Australia, đã cho rằng QTCT tốt là nền móng cho sự thành công lâu dài của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp cho các nhà đầu tư tiềm năng cái nhìn tốt về một doanh nghiệp được điều hành một cách lành mạnh.
Đối với nhiều doanh nghiệp, thách thức trong việc thực hiện QTCT tốt không chỉ thể hiện trên khía cạnh xây dựng và ban hành cơ chế và quy trình đúng mà còn nằm ở việc tạo ra chuỗi văn hóa quản trị nhằm tiếp thu các giá trị, tinh thần và mục đích đằng sau những quy định đó.
Đối với Việt Nam, QTCT tốt đang là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý, kỳ vọng từ phía các DNNY, các cơ quan quản lý, các cổ đông cũng như các bên có quyền lợi liên quan.
Khung QTCT ở Việt Nam hiện nay đã được đánh giá là đã có nhiều cải thiện để phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc thực hiện QTCT tại doanh nghiệp Việt Nam so với các nước trong khu vực còn khá xa.
Các kết quả khảo sát của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) gần đây cho thấy QTCT của Việt Nam đạt ở mức rất thấp, có khoảng cách khá lớn so với Thái Lan, Indonesia, Philippines và không thể so sánh với Singapore. Bên cạnh đó, chất lượng QTCT của các DNNY có sự chênh lệch đáng kể giữa doanh nghiệp quy mô lớn và nhỏ, doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết còn yếu hơn rất nhiều.
Trên thực tế, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những thay đổi quan trọng về QTCT được đánh giá là phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới, đó là đưa vào áp dụng mô hình quản trị mới, cho phép công ty cổ phần được lựa chọn một trong 2 mô hình tổ chức có hoặc không có Ban kiểm soát (BKS), quy định trách nhiệm của HĐQT và quy định về quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước.
Đến nay, việc thực thi một số quy định trong Luật Doanh nghiệp về QTCT của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, có tới 99,9% doanh nghiệp vận hành theo mô hình quản trị cũ đang bộc lộ không ít bất cập, trong đó có việc BKS hầu như không đóng góp vai trò gì cho hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế.
Trong BKS, hoạt động của kiểm toán nội bộ thường có xu hướng phục vụ lợi ích tốt nhất cho bộ phận quản lý và đôi khi còn chịu ảnh hưởng bởi sự chỉ đạo, điều hành của bộ phận quản lý. Điều này dẫn tới sự hạn chế về tính chính xác, trung thực và khách quan trong các báo cáo lên HĐQT; đồng thời ảnh hưởng đến tính khách quan, tạo ra xung đột lợi ích, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giao kết làm ăn, hội nhập quốc tế...
Thêm vào đó, kết quả khảo sát năm 2016 của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho thấy có tới 31,2% doanh nghiệp trả lời không có điều lệ công ty mặc dù Luật Doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp là pháp nhân phải xây dựng bản Điều lệ công ty, nguyên nhân có thể do:
(i) Môi trường và hệ thống định chế tài chính chưa thực sự tạo thuận lợi cho việc thực thi và áp dụng chế định trách nhiệm người quản lý, đặc biệt là hệ thống cơ quan liên quan đến giải quyết khởi kiện người quản lý, điều hành...;
(ii) Nhận thức về QTCT của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, cộng thêm kiến thức và kinh nghiệm QTCT còn ở mức sơ khai khiến các doanh nghiệp không thực hiện tuân thủ hoặc chỉ tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về QTCT theo Luật định, không có hoặc ít động lực để áp dụng các thông lệ QTCT tốt;
(iii) Năng lực và đạo đức thành viên HĐQT chưa cao, xung đột lợi ích, không thực sự độc lập trong hoạt động.
Các giải pháp ưu tiên để thúc đẩy QTCT tốt
Với kinh nghiệm thực tế, GS. TS. Mak Yuen Teen cho rằng, phát triển QTCT sẽ trải qua 4 giai đoạn như sau:
(i) Giai đoạn thức tỉnh. Trong giai đoạn này, cơ quan quản lý đưa ra các quy định và các quy tắc về QTCT để doanh nghiệp nhận ra QTCT là vấn đề sống còn cần quan tâm thực hiện. Đối với doanh nghiệp, cần xây dựng các quy tắc QTCT cũng như các bộ quy tắc ứng xử của mình;
(ii) Giai đoạn nâng cao nhận thức. Trong giai đoạn này, thông qua các tổ chức QTCT chuyên nghiệp, cơ quan quản lý sẽ tổ chức các khóa đào tạo về hoạt động QTCT nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với QTCT;
(iii) Giai đoạn tuân thủ. Sau khi đã đào tạo, nâng cao nhận thức về QTCT, các cơ quan quan quản lý nhà nước phải giữ vai trò cưỡng chế thực thi;
(iv) Giai đoạn hiệu quả với hoạt động chính là thay đổi văn hóa quản trị. Đây là giai đoạn quan trọng và cũng là khó khăn nhất bởi văn hóa quản trị của doanh nghiệp là chìa khóa để các doanh nghiệp thực hiện đúng những quy định về QTCT. Văn hóa quản trị phải xuất phát từ chính HĐQT chứ cơ quan quản lý không thực hiện được việc này.
Cũng theo GS. TS. Mak Yuen Teen, để nâng cao chất lượng QTCT, Việt Nam cần ưu tiên các vấn đề chính sau đây:
Đầu tiên, cần phải rà soát định kỳ và điều chỉnh kịp thời các quy tắc về QTCT để phù hợp với bối cảnh hiện tại và đáp ứng được những điều kiện thay đổi của thị trường nhằm bảo đảm được quyền lợi tối đa cho các cổ đông nhỏ lẻ.
Thứ hai, cần phát triển các tổ chức dành cho các thành viên HĐQT chuyên nghiệp (hay còn gọi là quản trị viên), cho các nhà đầu tư và các chuyên gia khác.
Thứ ba, cần khuyến khích các phương tiện truyền thông đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền các thông lệ QTCT tốt và phản ánh các thực trạng QTCT yếu kém.
Thứ tư, cần đưa ra các cơ chế thưởng - phạt theo nguyên tắc “cây gậy và củ cà rốt” để vừa khuyến khích các doanh nghiệp, mặt khác tạo cơ chế cưỡng chế áp dụng QTCT tốt. Theo đó, cần vinh danh các doanh nghiệp thực hiện QTCT tốt và công bố tên các doanh nghiệp QTCT yếu kém thông qua xếp hạng về QTCT. Ngoài ra, cần phát triển tư duy tuân thủ QTCT thông qua các quy định và cưỡng chế thực thi.
Cuối cùng, cần phát triển văn hóa doanh nghiệp - yêu cầu HĐQT, nhà đầu tư và các bên liên quan thực hiện các vai trò của mình nhằm nâng cao chất lượng QTCT.
Như vậy, theo GS. TS. Mak Yuen Teen, chuyển đổi từ giai đoạn “thức tỉnh” sang “nhận thức” và sau đó là đến giai đoạn “tuân thủ” sẽ bao gồm rất nhiều thách thức. “Điều này giống như đi trên một máy chạy bộ với tốc độ nhanh dần, nhưng vẫn cho phép các doanh nghiệp và HĐQT có khả năng tuân thủ các nguyên tắc và quy định nếu có nỗ lực.
Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn “hiệu quả” - khi mà HĐQT đạt được hiệu quả trong việc nâng cao giá trị lâu dài của doanh nghiệp - thì đó là một điều hoàn toàn khác. Nó giống như việc từ máy chạy bộ chuyển sang chạy marathon”.
Nếu xem xét theo 4 giai đoạn phát triển QTCT tốt mà chuyên gia nước ngoài đã đưa ra thì việc thực hiện QTCT tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang dừng ở giai đoạn thức tỉnh, trong khi các nước khác đã bước vào giai đoạn hiệu quả với hoạt động chính là thay đổi văn hóa. Chính vì vậy, để thúc đẩy QTCT tốt, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chuyển từ mô hình quản trị cũ sang áp dụng mô hình quản trị mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc áp dụng mô hình quản trị mới sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh dần, từ đó mới có thể có tiếng nói chung với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những tiến bộ trong thực hành QTCT, tuy nhiên cũng không phải vì thế mà quên đi một thực tế rằng, mặt bằng xuất phát của QTCT của các doanh nghiệp Việt Nam khá thấp so với khu vực và thế giới.
Để QTCT tốt hơn, các chuyên gia quốc tế đã khuyến nghị Việt Nam nên luật hóa một phần các nguyên tắc QTCT, ví dụ như nguyên tắc phải tôn trọng cổ đông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy hoạt động QTCT.
Các nguyên tắc QTCT tốt cụ thể nên để ở dạng tự nguyện, tùy theo quy mô, doanh nghiệp sẽ quyết định chọn mô hình quản trị nào. Biện pháp hiệu quả là “cưỡng chế thực thi mềm” trên cơ sở các chính sách thưởng - phạt rõ ràng, doanh nghiệp QTCT tốt thì sẽ được vinh doanh, doanh nghiệp QTCT kém sẽ được công bố trên thị trường để cho các nhà đầu tư có cái nhìn chính xác về doanh nghiệp hơn.