Các yếu tố tác động đến năng suất lao động và những vấn đề đặt ra
Mặc dù trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên đáng kể nhưng khoảng cách về năng suất lao động của nước ta so với nhiều nước trong khu vực đang ngày càng bị nới rộng. Đây là yếu tố cản trở đáng ngại đối với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nếu không có những nỗ lực đặc biệt trong việc nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thấy gì từ năng suất lao động của Việt Nam?
Theo báo cáo của Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 tính theo giá thực tế ước tính khoảng 79,3 triệu đồng/lao động, tương đương 3.657 USD/lao động so sánh năm 2010, năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 tăng 6,4% so với năm 2014.
Năng suất lao động bình quân giai đoạn 2006 -2015 tăng 3,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 4,3%/năm. Cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố mới đây cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Theo Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc năng suất lao động của Việt Nam thấp và tăng chậm là do lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất lao động thấp; Phương tiện sản xuất chậm đổi mới; Chất lượng lao động thấp và Môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh. Nếu phân theo khu vực kinh tế, thì lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất lao động thấp nhất là nông, lâm, thủy sản.
Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn rất cao (nông nghiệp vẫn chiếm 46,3% lao động trong toàn nền kinh tế năm 2014). Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn chưa chuyển dịch được nhiều lao động từ nông nghiệp sang các khu vực này. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa rất lớn cho việc tăng năng suất lao động bằng cách chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang hai khu vực còn lại.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc dịch chuyển từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao là không nhiều.
Như vậy, mặc dù năng suất lao động ở Việt Nam có tăng lên đáng kể nhưng khoảng cách về năng suất lao động của nước ta so với nhiều nước trong khu vực đang ngày càng bị nới rộng. Đây là yếu tố cản trở đáng ngại đối với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là khi nước ta tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Năng suất lao động của Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Bằng việc sử dụng hàm hồi quy tuyến tính đa biến để nghiên cứu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động:
Y= B0 + B1X1 + B2X2 + B3X3 +…. BnXn + u
Trong đó: Y là biến năng suất lao động và các biến X1, X2, X3… Xn là biến các yếu tố ảnh hưởng như: Tiền lương, đầu tư, trình độ lao động, môi trường, chính sách nhà nước...
Thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động như: Tiền lương/thưởng; nguồn vốn đầu tư; máy móc thiết bị; trình độ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sản xuất; tư liệu sản xuất; trình độ lao động; trình độ quản lý; điều kiện tự nhiên, môi trường; chính sách nhà nước… Tuy nhiên, ba yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất lao động của nước ta hiện nay là tiền lương, đầu tư và trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Thứ nhất, về tiền lương.
Tiền lương, tiền thưởng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo động lực thúc đẩy người lao động làm việc nâng cao năng suất lao động. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người lao động. Phấn đấu nâng cao tiền lương là yêu cầu tất yếu của người lao động, mục đích này tạo động lực để người lao động phát triển trình độ và khả năng lao động của mình.
Tiền lương cũng là một trong những công cụ kinh tế quan trọng nhất trong quản lý lao động, người ta dùng công cụ này để kích thích thái độ quan tâm đến lao động. Do đó, tiền lương là một nhân tố mạnh mẽ để tăng năng suất lao động, hay nói cách khác, đối với người lao động, tiền lương là khoản thu nhập chính, để tăng tiền lương họ phải tăng năng suất lao động.
Mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) năm 2015. Mức lương này chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Đây là lần tăng lương thứ 4 của Việt Nam trong vòng 5 năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu, cuộc sống của người lao động, mặt khác khuyến khích lao động tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, theo ILO, trong các nước ASEAN, Việt Nam vẫn thuộc nhóm có mức lương tối thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN. Mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) năm 2015. Mức lương này chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Ngoài tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi xã hội cũng góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động. Phúc lợi có thể là tiền, vật chất, chế độ…để động viên hoặc khuyến khích và đảm bảo anh sinh cho người lao động. Phúc lợi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, từ đó thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động.
Thứ hai, về đầu tư (nguồn vốn, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, lao động…). Đây cũng là yếu tố tác động mạnh đến năng suất lao động.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn còn hạn hẹp; công nghệ sản xuất lạc hậu và trung bình; cơ sở vật chất còn nghèo nàn; trình độ khoa học công nghệ còn chưa cao nếu không muốn nói là lạc hậu, lỗi thời; trình độ, chất lượng lao động chưa đạt yêu cầu; chính sách quản lý còn nhiều bất cập; năng lực cạnh tranh còn thấp… trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có sự hỗ trợ mạnh về tài chính, đầu tư những máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, giúp quá trình sản xuất diễn ra liên tục, ổn định và nâng cao được năng suất lao động.
Thứ ba, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, lao động thủ công còn nhiều, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp, dẫn đến khă năng tăng năng suất lao động còn thấp.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao, công cụ đưa vào sản xuất ngày càng hiện đại, đòi hỏi người lao động phải có một trình độ chuyên môn tương ứng để có khả năng sử dụng, điều khiển máy móc trong sản xuất. Nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn của con người có ý nghĩa lớn đối với tăng năng suất lao động.
Đây là một yếu tố không thể thiếu được, bởi vì dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao và đưa vào sản xuất các loại công cụ hiện đại, thì càng đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng. Nếu thiếu người lao động có trình độ chuyên môn cao thì không thể điều khiển được máy móc, không thể nắm bắt được các công nghệ hiện đại.
Việc áp dụng công nghệ sản xuất, trình độ khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động. Trong khi trình độ ứng dụng công nghệ sản xuất của Việt Nam khá thấp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả của từng ngành cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ nhưng đến nay việc sử dụng công nghệ ở nước ta vẫn còn lạc hậu và xếp vào loại thấp nhất khu vực ASEAN.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ tụt hậu so với thế giới từ 2 - 3 thế hệ; Gần 80% các loại thiết bị máy móc đang sử dụng được nhập khẩu từ thời kì 1960 -1970; hơn 75% thiết bị đã quá thời hạn khấu hao nhưng không được thay thế; trong tổng số thiết bị máy móc nhập khẩu, có hơn 50% thuộc loại tân trang...
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Năng suất Việt Nam (tháng 5/2016), Báo cáo Năng suất Việt Nam 2015;
2. Viện Năng suất Việt Nam, Cần làm gì để cải thiện năng suất lao động?
3. Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng suất Việt Nam (Tháng 7/2016), Năng suất lao động Việt Nam 2015 - Những con số nổi bật.