Cải cách hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước
Với phương châm “tất cả vì khách hàng”, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đồng bộ cải cách hành chính (CCHC) trên các lĩnh vực: Thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Nhờ vậy, cơ chế, chính sách ngày càng được đồng bộ và hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch.
Cải cách, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ
Trong năm 2022, hệ thống KBNN đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về CCHC và kiểm soát TTHC. Theo đó, KBNN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao dịch; triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; duy trìhệ thống quản lý chất lượng theotiêu chuẩn ISO 9001:2015; thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN.
Cùng với đó, hệ thống KBNN tập trung cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống KBNN. Theo đó, tổ chức bộ máy của hệ thống KBNN từng bước kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối trung gian, các nhiệm vụ chuyên môn được phân định rõ ràng và không chồng chéo. Trong năm 2022, KBNN đã nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính nhằm tạo cơ sở pháp lý để KBNN tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy tại Trung ương và địa phương theo đúng tinh thần của các Nghị quyết.
Thống kê từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập (Trường Nghiệp vụ Kho bạc), 260 phòng, 73 KBNN cấp huyện, gần 2.000 tổ thuộc KBNN cấp huyện; giảm 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng, hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ.
Đơn giản hoá quy trình, nghiệp vụ, tối ưu hóa hiệu năng hệ thống
KBNN đã xây dựng và ban hành kiến trúc tổng thể CNTT KBNN đến năm 2030; hoàn thành xây dựng triển khai quy trình liên thông và sửa đổi các hệ thống ứng dụng, góp phần quan trọng tối ưu hóa hiệu năng hệ thống, tăng cường tốc độ xử lý giao dịch, giảm 30 -40% khối lượng công việc hàng ngày cho cán bộ kho bạc. Bên cạnh đó, KBNN đã xây dựng mới, nâng cấp các ứng dụng: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống quản lý ngân quỹ nhà nước; hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng; chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư…
Đơn cử như đối với thủ tục kiểm soát chi NSNN, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát (từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư; 01 ngày làm việc đối với các khoản chi thường xuyên và các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau"); phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi NSNN; thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; cơ chế kiểm soát cam kết chi từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.
Đặc biệt, KBNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT KBNN; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên hệ thống DVCTT đạt trên 99%; trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 chứng từ chi NSNN qua DVCTT của KBNN.
Chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động nghiệp vụ
Đến nay KBNN cũng đã cơ bản hình thành Kho bạc điện tử - các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và Kho bạc "03 không" - không chứng từ giấy, không khách giao dịch trực tiếp, không giao dịch tiền mặt tại trụ sở Kho bạc. Kết quả này được các đơn vị, tổ chức, cá nhân ghi nhận và đánh giá cao. Trong 02 năm liên tiếp (năm 2020 và 2021), KBNN đứng ở vị trí thứ hai trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác CCHC; đạt tỷ lệ 99,4% đơn vị, tổ chức, cá nhân đánh giá mức độ hài lòng trong đợt khảo sát của hệ thống KBNN năm 2021. Nhằm phát huy các kết quả đạt được trong công tác CCHC, thời gian tới, KBNN tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ; cải cách công tác quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.
Hai là, cải cách TTHC theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN; nghiên cứu thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 02 cấp theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Bốn là, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ; triển khai Kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.