Số hóa công tác thanh tra, kiểm tra kho bạc

Bảo Thương

Chiến lược Phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 đề ra mục tiêu hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra (TTKT) của kho bạc. Vì thế, KBNN đã từng bước chuyển đổi phương thức TTKT truyền thống sang phương thức thanh tra kiểm tra, giám sát từ xa trên môi trường điện tử, môi trường số.

Đẩy mạnh TTKT thông qua môi trường số và hệ thống thông tin.
Đẩy mạnh TTKT thông qua môi trường số và hệ thống thông tin.

Thực hiện 1.359 cuộc kiểm tra mỗi năm

KBNN nhận định, công tác TTKT là một trong những công cụ quản lý đắc lực, giúp phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách, chế độ hiện hành, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý. Đồng thời, giúp tham mưu cho lãnh đạo KBNN các cấp trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống KBNN.

Vụ Thanh tra Kiểm tra (TTKT) cho hay, trung bình mỗi năm, toàn hệ thống KBNN thực hiện được 1.359 cuộc kiểm tra nội bộ.  Bên cạnh đó, các đơn vị còn tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác tự kiểm tra đã được các đơn vị chú trọng quan tâm và thực hiện thường xuyên liên tục, hầu hết các sai sót, vi phạm tại đơn vị được kiểm tra đã được phát hiện, để từ đó có những biện pháp chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.

Từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến phục vụ công tác TTKT nội bộ. Thông qua tiện ích này, công chức TTKT được quyền tra cứu dữ liệu trên dịch vụ công trực tuyến để giám sát, cảnh báo nếu có vấn đề bất thường hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất…

KBNN cũng đã thiết lập các tiêu chí phục vụ cho hoạt động giám sát trên tiện ích tra cứu đối với nội dung giám sát thực hiện "Tiếp nhận hồ sơ" trên dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm không muộn hơn 8 giờ làm việc theo quy định; giám sát những hồ sơ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến bị trả lại nhiều lần…

Trong công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN cho biết, toàn hệ thống đã triển khai khoảng 1.665 cuộc thanh tra chuyên ngành trong vòng 6 năm (2016-2022), ban hành 295 quyết định xử phạt, kiến nghị xử lý hành chính trên 68 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách ý thức được việc chi tiêu ngân sách hợp lý, đúng tiêu chuẩn, chế độ, không chi sai mục đích, không để thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nươc, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ ngân sách nhà nước.

Chủ động chuyển đổi phương thức kiểm tra

Để hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa công tác thanh tra kiểm tra, xây dựng hệ thống thanh tra kiểm tra chuyênn nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN sẽ chú trọng đổi mới phương thức kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh TTKT thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; Kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro; thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN.

Đồng thời, từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức TTKT, giám sát thông qua môi trường điện tử, môi trường số và hệ thống thông tin; đẩy mạnh hoạt động giám sát, mở rộng nội dung giám sát trên các chương trình ứng dụng CNTT của KBNN.

Trong công tác kiểm tra nội bộ, KBNN sẽ rà soát sửa đổi quy chế, quy trình kiểm tra nội bộ, đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm tra trong điều kiện các hoạt động KBNN thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá theo mức độ rủi ro đối với các đơn vị KBNN tỉnh, huyện làm cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề; nghiên cứu, xây dựng nội dung đánh giá rủi ro cho các mặt hoạt động nghiệp vụ KBNN; thiết lập các tiêu chí cảnh báo rủi ro dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu để từng bước mở rộng nội dung thanh tra chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ thu ngân sách nhà nước, bao gồm: Triển khai thu phí trên các tài khoản tạm thu của các đơn vị thu phí tại ngân hàng thương mại, hoạt động quyết toán số dư ngân quỹ nhà nước cuối ngày tại hệ thống ngân hàng thương mại…

Đặc biệt, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân yêu cầu Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN phải xác định đổi mới, hiện đại hóa công tác TTKT, giám sát hệ thống KBNN là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời phải bố trí công chức làm công tác TTKT đầy đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.