Cải cách hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước

Lê Thị Chinh, Đinh Thu Phương - Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế)

Bài viết đánh giá một số thành tựu đạt được trong cải cách hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn 2011-2020 cũng như mục tiêu, giải pháp cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.

Ngành Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Ngành Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Để góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là yêu cầu về phát triển bền vững nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, hướng tới việc xây dựng một hệ thống thuế công bằng, hiệu quả, có khả năng nuôi dưỡng, huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một số thành tựu đạt được trong giai đoạn 2011-2020

Sau 10 năm triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp cải cách chính sách thuế đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam đã được cải cách, đổi mới trên nhiều phương diện. Việt Nam đã hình thành được hệ thống chính sách thuế thống nhất, phù hợp với đặc điểm của một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, góp phần quan trọng trong việc động viên nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật về thuế và thu ngân sách đã được hoàn thiện theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí; giảm tỷ lệ điều tiết các sắc thuế, đảm bảo công bằng và mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhờ đó đã động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực cho NSNN.

Quy mô thu NSNN ngày càng được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi NSNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm.

Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, trong đó: giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 23,6% GDP (mục tiêu kế hoạch là 23-24% GDP); giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 25,2% GDP (mục tiêu kế hoạch là 23,5% GDP), vượt mục tiêu đặt ra tại Văn kiện Đại hội Đảng XI, XII.

Tổng thu từ thuế, phí và lệ phí đạt bình quân 20,7% GDP trong giai đoạn 2011-2015 (mục tiêu kế hoạch là 22-23% GDP); 20,8% GDP trong giai đoạn 2016-2020 (mục tiêu kế hoạch là 21% GDP). Tốc độ tăng tổng thu NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,6%/năm, trong đó, thu từ thuế, phí và lệ phí tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng nguồn thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng dần, từ mức bình quân 58,9% trong giai đoạn 2006-2010 lên 68% trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 đạt 83,6% (mục tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN). Tỷ trọng số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tổng thu NSNN giảm dần, cho thấy có sự chuyển dịch đóng góp số thu từ khu vực DNNN sang khu vực DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài, phù hợp với mục tiêu định hướng sắp xếp, cổ phần hoá các DNNN, tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Các chính sách thu liên tục được rà soát, điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ động viên về thuế cho người nộp thuế với quy mô điều chỉnh lớn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; góp phần chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia; khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; bảo hộ hợp lý có chọn lọc, có thời hạn các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế. Phần lớn các khoản thu, sắc thuế do cơ quan thuế quản lý có xu hướng tăng dần tỷ trọng trên tổng thu NSNN.

Bên cạnh đó, tại những thời điểm khó khăn của nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã trình Quốc hội, trình Chính phủ ban hành và thực hiện nhiều giải pháp về chính sách thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, để kịp thời hỗ trợ DN, người dân phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và NSNN theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế như gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất...

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến tính bền vững trong trung, dài hạn, cụ thể: quy mô và cơ cấu động viên NSNN chưa thực sự bền vững; nội dung của một số sắc thuế đang bộ lộ một số điểm bất cập, không phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới. Các chính sách về thuế và thu ngân sách cơ bản được sửa đổi kịp thời để xử lý các tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, song việc thường xuyên sửa đổi đã tạo ra sự không ổn định, gây khó khăn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế...

Bên cạnh đó, một số văn bản dưới Luật được ban hành chậm so với hiệu lực của Luật; một số chính sách thuế khi ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tiễn cũng như điều kiện tổ chức thực hiện, sự đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nên trong quá trình thực hiện còn vướng mắc gây khó khăn cho người nộp thuế.

Mục tiêu, giải pháp cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030

Dự báo bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chính sách kinh tế của các nước thay đổi nhanh, khó dự báo, đan xen mục đích kinh tế và chính trị. Đại dịch COVID-19 có thể kéo dài không những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới và các quốc gia mà còn thay đổi cấu trúc kinh tế, gây bất ổn kinh tế toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức cho tất cả các nền kinh tế.

Trong nước, nhu cầu vốn đầu tư phát triển KT-XH rất lớn tạo áp lực lớn cần phải đảm bảo nguồn thu bền vững, có cơ cấu hợp lý; Cơ cấu thu còn chưa có sự cân đối giữa các khoản thu từ thuế thu nhập, thuế tiêu dùng và từ tài sản; các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân và thuế liên quan đến nhà, đất còn khá khiêm tốn); thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đối với ngành Thuế, để theo kịp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi cơ quan thuế Việt Nam phải đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần có sự đầu tư đồng bộ, toàn diện trong toàn Ngành, phù hợp với yêu cầu Chính phủ số trong tương lai...

Trước bối cảnh đó, ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, là kim chỉ nam để ngành Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội về Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng như định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Để hướng tới một cơ cấu thu NSNN bền vững, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã xác định quan điểm cơ bản, xuyên suốt trong cải cải cách chính sách thuế đến năm 2030 là “Hệ thống chính sách thuế đảm bảo tính đảm bảo tính công bằng, trung lập của chính sách thuế”.

Từ đó, ngành Thuế đã xây dựng mục tiêu hướng đến là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Theo đó, hệ thống chính sách thuế đến năm 2030 bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu sau: Thuế Giá trị gia tăng; Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thuế Thu nhập DN; Thuế thu nhập cá nhân; Thuế Tài nguyên; Thuế Sử dụng đất nông nghiệp; Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế Bảo vệ môi trường; Các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc NSNN.

Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH từng giai đoạn 05 năm 2021-2025 và 2026-2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là: Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16-17% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14-15% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 86-87%.

Với các mục tiêu cụ thể trên, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã đưa ra các giải pháp cải cách về chính sách thuế cho 09 nhóm sắc thuế chủ yếu sau:

- Đối với thuế giá trị gia tăng: Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

- Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; Rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện KT-XH giai đoạn 2021-2030; Nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô; có chính sách ưu đãi phù hợp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển KT-XH của Đất nước trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ và các quy định liên quan đến khu phi thuế quan, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế.

- Đối với thuế thu nhập DN: Rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; thực hiện ưu đãi thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời, chuyển trọng điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào những ngành, nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh KT-XH của Đất nước và thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.

- Đối với thuế thu nhập cá nhân: Rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với bối cảnh KT-XH của đất nước trong từng giai đoạn và thông lệ quốc tế.

- Đối với thuế tài nguyên: Nghiên cứu sửa đổi quy định, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên.

- Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản: Tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho NSNN, phù hợp với điều kiện KT-XH của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.

- Đối với thuế bảo vệ môi trường: Nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu để điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

- Đối với phí và lệ phí và thu khác thuộc NSNN: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí, lệ phí từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; Thực hiện lộ trình tăng mức thu phí nhằm từng bước tính đủ chi phí trong mức thu phí; Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; Tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Nghiên cứu xây dựng khoản thu hoặc thuế đối với các hoạt động, hình thức kinh doanh mới phù hợp với thực tế phát triển, đảm bảo quyền thu thuế, đánh thuế của Việt Nam phù hợp với bối cảnh KT-XH trong từng giai đoạn và theo thông lệ quốc tế. Rà soát, hoàn thiện chính sách về thu khác thuộc NSNN bảo đảm phù hợp với thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành...

Với mục tiêu cải cách hệ thống thuế theo Chiến lược đã đề ra, ngành Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 2038/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 theo Quyết định số 2039/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp theo từng giai đoạn 05 năm và hàng năm nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách thuế hướng đến một cơ cấu thu NSNN bền vững.        

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030;

2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính (2022), Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính (2022), Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2022