Thuế, Hải quan: Điểm sáng cải cách ngành Tài chính
Ngành Thuế cho biết phấn đấu đến 30/9/2015 sẽđạt tỷ lệ trên 90% số doanh nghiệp (DN) thực hiện nộp thuế điện tử. Còn ngành Hải quan cũng đã được tự động hóa mạnh mẽ, tiết kiệm thời gian chi phí cho doanh nghiệp.
Đây là các thông tin được nêu ra tại Hội thảo Cải cách thủ tục hành chính công trong lĩnh vực thuế và hải quan, một trong những hoạt động thuộc sự kiện Hội thảo-Triển lãm Vietnam Finance 2015 - nơi kết nối và chia sẻ thông tin liên quan đến các giải pháp công nghệ thông tin cho công tác nghiệp vụ trong ngành tài chính, diễn ra ngày 17/9.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế và hải quan. Những nỗ lực cải cách của Chính phủ và Bộ Tài chính đã đạt được các kết quả tích cực, trong đó chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan đã giảm rõ rệt, góp phần thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết của Chính phủ.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết: Hiện tại, hơn 510.000 doanh nghiệp đã khai thuế điện tử và gần 25 triệu hồ sơ đã được tiếp nhận xử lý qua mạng. Tổng cục Thuế cho biết phấn đấu đến 30/9/2015 sẽ đạt tỉ lệ trên 90% số doanh nghiệp (DN) thực hiện nộp thuế điện tử. Nếu đạt được tỉ lệ khai thuế, nộp thuế điện tử trên 90% số DN trên phạm vi cả nước thì giải pháp này dự kiến sẽ góp phần làm giảm thêm 10 giờ nộp thuế cho DN.
Để tiếp tục thực hiện cải cách, ông Trí cho biết, ngành thuế đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, thống nhất trên toàn quốc. Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế, tăng tính liên kết, tự động hóa, đồng bộ hơn.
Ngành thuế cũng khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, phòng ngừa ngăn chặn hành vi gây phiền hà nhũng nhiễu của cán bộ thuế, xây dựng hệ thống đánh giá hoạt động của cơ quan thuế theo chuẩn mực quốc tế, khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế…
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngành cũng có những bước tiến đáng kể khi đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành động lực quan trọng của tiến trình này. Công tác quản lý Nhà nước về hải quan đã được chuyển hoàn toàn từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hải quan hiện đại dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Việc áp dụng hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình cải cách và phát triển ngành hải quan.
Đến nay, hệ thống hải quan một cửa đã được triển khai ổn định tại 34/34 Cục Hải quan địa phương và 171/171 chi cục trong phạm vi toàn quốc. Hệ thống thông quan tự động hoạt động ổn định đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại ở Việt Nam, hơn 99,65% số lượng tờ khai xuất nhập khẩu đã được thực hiện thông qua hệ thống này. Việc nộp thuế xuất nhập khẩu hiện nay được thực hiện tự động thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa hải quan và các ngân hàng thương mại nên đã giúp doanh nghiệp thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế giảm. Công tác giám sát hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử giúp giảm ách tắc tại cổng cảng.
Cùng với việc triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ cốt lõi, ngành hải quan đã đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN. Kết quả, cải cách hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thông quan, đặc biệt là trong việc tiết kiệm thời gian hàng hóa qua biên giới. Cụ thể, hiện tại, thời gian cho hàng hóa thông quan giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Nhờ triển khai các giải pháp công nghệ nói trên, theo ước tính đã cắt giảm chi phí tuân thủ 705 tỉ đồng/năm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.