Hải quan, doanh nghiệp rối bời vì xác định bộ, ngành kiểm tra chuyên ngành

Theo baohaiquan.vn

Có những mặt hàng mà cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đều rất khó có thể xác định được thuộc phạm vi quản lý, kiểm tra của bộ ngành nào, do các văn bản quy định còn chồng chéo, chưa cụ thể.

Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ánh Dương đã hai lần bị Cục Đăng kiểm từ chối kiểm tra chất lượng lô hàng NK.​​ Nguồn: PV.
Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ánh Dương đã hai lần bị Cục Đăng kiểm từ chối kiểm tra chất lượng lô hàng NK.​​ Nguồn: PV.

Loay hoay tìm cơ quan kiểm tra

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ánh Dương NK mặt hàng xe nâng hàng dùng trong nhà xưởng, không tham gia giao thông. Theo trình bày của ông Huỳnh Thành Lợi, Giám đốc công ty, mặt hàng xe nâng hàng hóa dùng trong công xưởng, nhà máy (HS 8427) thuộc diện phải kiểm tra chất lượng khi NK. Tuy nhiên, khi công ty đăng ký kiểm tra chuyên ngành theo Thông tư 89/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng và danh mục nhóm 2 tại điểm 86 mục IV Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 39/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải thì Cục Đăng kiểm từ chối tiếp nhận với lý do: Xe chuyên dùng công xưởng không thuộc đối tượng chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải.

Tham khảo thêm các quy định của Bộ Công Thương về kiểm tra chất lượng hàng hóa NK, ông Lợi cho biết, theo Quyết định 3648/QĐ-BTC của Bộ Công Thương thì mặt hàng xe nâng không thuộc trách nhiệm quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương và đã được tách khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 theo Thông tư 29/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Bị Cục Đăng kiểm từ chối kiểm tra lô hàng, DN quyết định đăng ký kiểm tra chuyên ngành NK theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (tại điểm 8, phụ lục 4 Quyết định 08/2006/QĐ-BLĐTBXH ban hành Quy định tạm thời về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa NK và Thông tư 03/2010/TT-BLĐTBXH về Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thì được Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn khu vực II-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp nhận và cung cấp số đăng ký kiểm tra chất lượng khi NK.

Tuy nhiên, khi DN làm thủ tục hải quan tại một số chi cục hải quan thì bị từ chối không chấp nhận kiểm tra chuyên ngành của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với lý do: Mặt hàng này thuộc chuyên ngành Bộ Giao thông vận tải, phải kiểm tra chất lượng của Cục Đăng kiểm-Bộ Giao thông vận tải và danh mục nhóm 2 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không áp dụng cho hàng NK theo văn bản số 11862/TCHQ-GSQL ngày 19/12/2016 hướng dẫn về kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Rối bời trước các quy định về kiểm tra chuyên ngành, ông Huỳnh Thành Lợi cho biết: “DN không biết mặt hàng xe nâng dùng trong công xưởng khi NK về phải đăng ký kiểm tra chất lượng NK theo bộ nào?”

Câu hỏi trên của ông Huỳnh Thành Lợi đã chuyển tới buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Hải quan điện tử, tổ chức sáng 29/8, để lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ vướng mắc của công ty cũng như những công ty khác khi NK mặt hàng này.

Không rõ bộ nào quản lý?

Không chỉ có DN “loay hoay” mang hàng đi kiểm tra, ngay cả cơ quan Hải quan cũng thấy khó xử lý đối với những mặt hàng không rõ thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành nào.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã mời 3 Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời về việc NK máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitconin, litecoin thuộc diện quản lý của bộ nào.

Theo thông tin của DN cung cấp thì mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động, được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi thuật toán Scrypt (thị trường gọi đặc trưng là Litecoin) và hệ thống chuỗi SHA256 (thị trường gọi đặc trưng là Bitcoin), tiếp theo đó có thể tách ra ghép vào các máy tính chạy đồ họa thông thường, các máy này được Bitmain gia công riêng thay vì ghép bởi các card màn hình (VGA) như ở Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Danh mục hàng hóa cấm XK, cấm NK và Danh mục hàng hóa XK, NK theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành ban hành kèm theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì mặt hàng nêu trên cũng chưa được định danh cụ thể. Theo Thông tư 15/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, liecoin (mã HS 8471.50.90) thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng không có quy định nào về thủ tục, điều kiện và hình thức quản lý nên không rõ có thuộc đối tượng phải có giấy phép NK hay NK có điều kiện.

Liên quan đến việc đầu tư thiết kế trung tâm máy tính đào bitcoin, litecoin và các loại tiền ảo, ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước có công văn trả lời kiến nghị của một công dân, trong đó xác định tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, việc NK một số lượng lớn máy tính, không liên quan đến việc sử dụng tiền ảo dưới góc độ là phương tiện thanh toán, không thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước cũng không xác định mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin thuộc diện cấm NK hay NK phải có giấy phép.

Chính vì vậy, khi làm thủ tục thông quan cho lô hàng máy xử lý dữ liệu tự động, cơ quan Hải quan gặp lúng túng do chưa rõ mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin có thuộc diện cấm NK hoặc NK có điều kiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Công Thương hay Ngân hàng Nhà nước?

Được biết, để có cơ sở hướng dẫn Hải quan địa phương và DN thống nhất thực hiện chính sách quản lý hàng hóa XNK và giải quyết thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến cụ thể đối với việc NK mặt hàng trên.