Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua giám sát hàng hóa tự động tại cảng Cái Lân

Theo baohaiquan.vn

Nâng cao tính tự động hóa của hệ thống công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu, đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan tại cảng Cái Lân; rút ngắn thủ tục giao nhận hàng hóa, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại để giải quyết thủ tục đưa hàng ra, vào khu vực cảng… là những mục tiêu mà Cục Hải quan Quảng Ninh đề ra khi triển khai thực hiện Đề án quản lý giám sát hàng hóa tự động tại cảng Cái Lân.

Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại cảng Cái Lân. Nguồn: PV.
Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại cảng Cái Lân. Nguồn: PV.

Có lợi thế nhưng chưa thu hút được đầu tư

Là một trong những cảng biển lớn của tỉnh Quảng Ninh, cảng Cái Lân hiện có rất nhiều lợi thế như: Nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, kho bãi chứa hàng rộng, tiếp nhận được tàu lớn; biểu cước và các chính sách hỗ trợ ngày càng được nới rộng; chất lượng đội ngũ làm việc tại cảng đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về trình độ ngoại ngữ, những kiến thức tiên tiến nhất trong vận hành cảng để đáp ứng yêu cầu đặt ra… Tuy nhiên, những năm gần đây, các mặt hàng có doanh thu cao vẫn vắng bóng tại cảng Cái Lân, kết quả kinh doanh của Cảng Cái Lân chưa được như kỳ vọng.

Việc xây dựng chuẩn kết nối giữa Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng và Hệ thống Hải quan thực hiện theo Quyết định 1059/QĐ-TCHQ ngày 29/3/2017 Tổng cục Hải quan.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, trong giai đoạn đầu, Hải quan Quảng Ninh đã lựa chọn 2 doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của đề án là Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh và Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) để phối hợp thực hiện kế hoạch. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng triển khai với tất cả doanh nghiệp.

Theo định hướng đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu ngành dịch vụ đứng đầu trong cơ cấu kinh tế, nhất là dịch vụ cảng biển, nên việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ cảng biển là yêu cầu bắt buộc. Vì thế cảng Cái Lân nói riêng, hệ thống cảng biển của tỉnh nói chung cần xác định rõ những lợi thế, cơ hội của mình để định hướng đầu tư, phát triển phù hợp.
Kế hoạch phát triển cảng biển cũng được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vạch rõ: Áp dụng mô hình chính quyền cảng, tiếp cận tuyến hàng hàng hải quốc tế, liên thông với hệ thống cảng biển trong tỉnh, tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn gắn với những trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu phát triển năng động của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát môi trường, phát triển cảng biển gắn liền với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông. Có như vậy, lợi thế cảng biển của tỉnh mới phát huy được hiệu quả.
Xác định rõ mục tiêu này, Cục Hải quan Quảng Ninh đang triển khai thực hiện quản lý giám sát hàng hóa tự động tại cảng Cái Lân, với mục tiêu là đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không và các bên liên quan. Điều này được thực hiện thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi.
Qua đó giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Cùng với đó nâng cao tính tự động hóa của hệ thống công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu, đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan.
Với các mục tiêu nêu trên, Đề án quản lý giám sát, hàng hóa tại cảng biển mà Tổng cục Hải quan áp dụng thực hiện khi được triển khai tại cảng Cái Lân sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước mà cho cả các doanh nghiệp hoạt động tại cảng này.
Hiện đại hóa công tác quản lý cảng
Theo ông Ngô Tùng Dương- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, việc triển khai quản lý, giám sát hàng hóa theo Đề án của Tổng cục Hải quan sẽ giúp Hải quan quản lý được toàn bộ diễn biến của hàng hóa XNK toàn khu vực cảng, kho, bãi và lịch sử lô hàng từ khi vào Việt Nam. Hệ thống cũng giúp loại bỏ các tác nghiệp thủ công, sử dụng văn bản giấy trong một số công đoạn nghiệp vụ của công chức, góp phần tinh gọn, tinh giản về tổ chức, biên chế. Từ đó, tập trung lực lượng cho giám sát, kiểm soát đối với những lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm có rủi ro cao, nâng cao hiệu quả phương thức quản lý rủi ro, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia.
Ông Dương cho biết thêm, để triển khai quản lý giám sát hàng hóa tự động tại cảng Cái Lân, Chi cục đã thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án và tích cực nghiên cứu, rà soát, so sánh với thực trạng đặc thù, phương thức khai báo, giao nhận của Cảng để tham gia xây dựng quy trình phù hợp với điều kiện thực tế quản lý. Đồng thời, Chi cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các DN kinh doanh cảng biển để chuẩn bị những điều kiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp và kết nối dữ liệu đảm bảo đúng nội dung, tiến độ triển khai chương trình này.
Không chỉ có thế, việc triển khai Đề án giúp doanh nghiệp kinh doanh cảng được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về trạng thái cấp phép thông quan, giải phóng hàng từ cơ quan Hải quan với từng lô hàng, từng container để giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện thủ tục giao, nhận hàng so với thực hiện bằng chứng từ giấy; thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ giao nhận hàng hóa, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch. Từ đó, nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Là DN tham gia kết nối vào hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng Cái Lân, ông Lê Hồng Quân- Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) cho biết, nhận thấy được những lợi ích của việc kết nối hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đối với DN XNK, đặc biệt là hệ thống trao đổi thông tin và xử lý dữ liệu 24/24 giúp DN chủ động kế hoạch giao hàng tại cảng, CICT đã tham gia kết nối giữa Hệ thống của DN kinh doanh cảng và Hệ thống Hải quan. Tham gia Hệ thống này giúp DN kinh doanh cảng được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình trạng cấp phép thông quan từ cơ quan Hải quan với từng lô hàng, container, để giảm thiểu rủi ro trong thực hiện thủ tục giao, nhận hàng.
Tổng giám đốc Công ty CICT cho biết thêm, hiện công tác kết nối với cơ quan Hải quan đã được công ty chú trọng, mọi công tác chuẩn bị đều đã được công ty chuẩn bị sẵn sàng. CICT đã thực hiện xong các thông điệp liên quan đến việc quản lý hàng container; hiện đang làm việc tại Cục CNTT và Thống kê Hải quan - Tổng cục Hải quan để chạy thử các thông điệp liên quan đến hàng rời, điều chỉnh để đáp ứng chuẩn thông điệp với cơ quan Hải quan.
Đồng thời đại diện DN này cũng tin tưởng, với công tác phối kết hợp giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng trong công tác quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng Cái Lân sẽ giúp DN cắt giảm thủ tục xuất trình chứng từ giấy,  rút ngắn thời gian và chi phí đi lại để giải quyết thủ tục đưa hàng ra, vào khu vực cảng. Với hãng tàu và đại lý hãng tàu, nhờ việc giải phóng hàng hóa nhanh chóng nên thời gian quay vòng sử dụng vỏ container được rút ngắn, hỗ trợ DN tăng khả năng khai thác, nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải quốc tế... điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng Cái Lân- đại diện này nhấn mạnh.
Hiện Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và các DN kinh doanh kho bãi, cảng đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại các cảng biển; đảm bảo việc triển khai Đề án thông suốt và hiệu quả.