Cải thiện môi trường kinh doanh phải quyết liệt và thực chất hơn
Đây tiếp tục là một trong những thông điệp chủ đạo đưa ra tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 10/3 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Bộ KHĐT, trong 4 năm qua, Chính phủ đã liên tục ban hành Nghị quyết 19/2014, 19/2015, 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây được coi là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về khởi sự kinh doanh; nộp thuế và bảo hiểm xã hội; bảo vệ nhà đầu tư; tiếp cận tín dụng; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản; giải quyết tranh chấp hợp đồng…
Từ những nỗ lực trong quá trình triển khai Nghị quyết 19 đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là thứ hạng môi trường kinh doanh quốc gia đã liên tục được cải thiện, trong đó năm 2016 đã tăng 9 bậc, từ 91 lên vị trí 86 và là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008 trở lại đây.
Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện còn rất chậm, kết quả đạt được hàng năm chỉ là “một phép cộng đơn giản, tính trên đầu ngón tay” nên nhiều mục tiêu đề ra chưa đạt được, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Thực tế cũng cho thấy, nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách làm cũ, tuần tự, từng bước và chỉ có sự tích cực của các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN) mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức Nhà nước với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân, DN thì khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Do đó năm 2017, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Cụ thể là đến hết năm 2017, phải đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cải thiện điểm số và thứ hạng trên các trụ cột về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu, đồng thời gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.
Với những mục tiêu nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Nghị quyết 19/2017 sẽ bao gồm nhiều nội dung, rất toàn diện, bao phủ hầu hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng đồng thời 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu, đó là: đánh giá và xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB); đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ; đánh giá về năng lực đổi mới, sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN).
Do đó, cần có sự phối hợp hành động của nhiều tuyến, với sự chủ động vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời có yêu cầu trách nhiệm giải trình cao thì mới hy vọng thành công và tạo sự thay đổi lớn.