Cán bộ, công chức ngành Tài chính học tập và làm theo gương Bác trong cải cách hành chính
Đảng và Nhà nước ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó điểm đột phá là xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp, nền hành chính phục vụ, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo cho công cuộc cải cách hành chính thành công là phải có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đủ đức, đủ tài.
“Những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ví cán bộ như tiền vốn của đoàn thể: “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Cán bộ là gốc rễ của mọi công việc nên ở bất kỳ công tác nào, trong đó có công tác tài chính đều rất cần những cán bộ tốt, có đức, có tài để làm tròn bổn phận của mình, một lòng một dạ phụng sự đất nước và nhân dân.
Người làm công tác Tài chính tốt, theo Bác, trước tiên phải là người có đạo đức cách mạng, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính. Người khẳng định: “Liêm là trong sạch, không tham lam, luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân” và “những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu".
Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Đối với nền hành chính chúng ta đang xây dựng hiện nay thì liêm khiết là một yếu tố có ý nghĩa quyết định để có thể thực hiện những dịch vụ hành chính có chất lượng cao, góp phần vận hành và sử dụng tài sản công theo hướng tối đa hóa lợi ích, đem đến cho người dân nhiều tiện ích và sự hài lòng.
Cùng với sự tận tụy trong công việc, hơn ai hết, người làm công tác Tài chính phải thực hành tiết kiệm bởi “sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Theo Bác, tiết kiệm là “khi có việc đáng làm, việc ích nước lợi dân, lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù hao tốn bao nhiêu công, tiêu hao bao nhiêu tiền của cũng sẵn sàng, nhưng khi không cần tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, không được tiêu”. Điều này cũng nhất quán với tư tưởng của Người: “Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng”.
Chú trọng tự học, tự phê bình và không ngừng đổi mới
Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó nên những người làm công tác nhạy cảm và phức tạp như Tài chính nhất thiết phải có tài năng, đó là khả năng nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, thông thạo những công việc do mình phụ trách đồng thời phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ về mọi mặt.
Bác từng nhận định, cán bộ Tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy cho nên cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Theo Bác, điều quan trọng của việc học là phải rèn luyện tư duy độc lập và sáng tạo, học đi đôi với hành và phải lấy tự học làm chính. Để học tập tiến bộ, Bác yêu cầu người cán bộ phải “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học ở nhân dân là một khuyết điểm rất lớn”.
Người rất coi trọng tới việc phê bình và tự phê bình, Người vạch rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.
Cũng theo tư tưởng ấy, phê bình và tự phê bình là việc cần làm hàng ngày như cơm “ăn cho khỏi đói”, như “rửa mặt cho khỏi bẩn”, nếu biết phê bình và tự phê bình đúng cách và thường xuyên sẽ góp phần vun đắp chí khí cho cán bộ, để họ “bại không nản, thắng cũng không kiêu”.