Phát triển công nghiệp hỗ trợ:
Cần cơ chế “mở” để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay
Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đều có nhu cầu về vốn để phục hồi, phát triển sản xuất nhưng việc tiếp cận ngân hàng còn gặp không ít trở ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho doanh nghiệp trước tình trạng nguyên vật liệu tăng cao, kéo theo sự gia tăng về chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Đề cập về nhu cầu vốn của các doanh nghiệp CNHT, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) Lưu Hải Minh cho biết, khảo sát tại các doanh nghiệp thành viên cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nhiều chính sách như thuê đất, thuế, ưu đãi thuế… và đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA), hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo đạt khoảng 15 - 20%. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thấp, dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD).
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng các linh kiện ngành điện tử, dây chuyền tự động hóa cho các nhà máy, Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (cơ sở tại Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi muốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Công ty, mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách, song cơ chế cho vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
Cũng chia sẻ những khó khăn về vốn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hikari P&T Vietnam Nguyễn Đức Cường bày tỏ, là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuyên về lĩnh vực cung ứng linh phụ kiện ngành nhựa và ngành cơ khí, nên doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy đáp ứng được các đơn hàng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật từ đối tác toàn cầu... nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí thuê mặt bằng.
“Đơn vị có định hướng thuê đất và đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, nhưng giá thuê đất còn tương đối cao nên đầu tư ở Hà Nội cao gấp 5 lần các địa phương lân cận” - ông Nguyễn Đức Cường nêu ví dụ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình nêu một thực tế, hiện nay, hầu hết nguyên liệu công nghiệp hỗ trợ là nhập khẩu, trong khi doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 7,5 - 8,5%/năm, còn nhiều nước trên thế giới chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 - 5%/năm. Việc doanh nghiệp vay vốn lãi suất cao dẫn đến giá thành sản xuất cao hơn ít nhất 20% so với giá hàng ngoại nhập, nên khó kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn
Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng đề xuất, Chính phủ và doanh nghiệp cùng song hành lấy Cách mạng Công nghiệp 4.0 làm mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao... Muốn làm được điều này, cần cho phép các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ cao; quy định chi tiết từng vùng kinh tế để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chuyên sâu.
Để công nghiệp hỗ trợ phát triển đột phá, Chính phủ cần yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam phải nội địa hóa từng năm, đặt hàng doanh nghiệp Việt cung cấp linh kiện qua đó hưởng những chính sách hỗ trợ thuế của Việt Nam, tương ứng với tỷ lệ % đặt hàng nội địa hóa.
“Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, bảo hộ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không vi phạm các quy định các hiệp định kinh tế quốc tế đã và sẽ ký với quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy rằng, việc áp dụng và xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sự điều tiết của Nhà nước là điều vô cùng cấp thiết” - ông Nguyễn Hoàng nêu rõ.
Kiến nghị với các cơ quan tín dụng, ông Hoàng cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải mất thời gian dài từ 3 - 5 năm để sản xuất, kinh doanh có lãi. Ông Hoàng đề xuất, các tổ chức ngân hàng quan tâm, xem xét hỗ trợ và cho vay với mức lãi suất tốt, thời hạn cho vay dài và đề nghị ngoài thủ tục cho vay thế chấp, nên “nới” thêm hình thức cho vay tín chấp.
Về phía ngân hàng, lý giải về việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, trong quá trình giải quyết các hồ sơ xin vay vốn, MSB cũng gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là việc minh bạch khi kê khai tài chính trong gói vay tín chấp đối với các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm công nghiệp chủ lực. Để tháo gỡ vấn đề này, các hội, hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra một môi trường minh bạch để ngân hàng có thể tiếp cận với doanh nghiệp dễ hơn.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cũng khẳng định, phía ngân hàng luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, các ngân hàng đang triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất vay, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu điều kiện, đề xuất với ngân hàng.