Giải pháp tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với chiến lược Zero Covid của Trung Quốc, các công ty thuộc ngành hàng công nghiệp hỗ trợ gặp nhiều khó khăn khi nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào cho sản xuất. Để gỡ nút thắt này, việc chủ động nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước được coi là “chìa khóa” giúp các ngành hàng duy trì sản xuất, tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại.
Doanh nghiệp gặp khó vì nguồn cung nguyên liệu
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu hụt linh kiện điện tử, nguyên vật liệu, chất bán dẫn đã xảy ra từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
"Trong thời gian qua, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã chịu tác động lớn do cầu sụt giảm. Những tập đoàn điện tử đa quốc gia không còn đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm cao cấp, thay vào đó, duy trì sản xuất sản phẩm ở phân khúc trung bình dẫn tới doanh nghiệp điện tử Việt Nam bị ảnh hưởng lớn về doanh thu và lợi nhuận. Đến nay, nhu cầu đã dần phục hồi, đơn hàng dự kiến tăng mạnh vào cuối năm nay nhưng nguy cơ thiếu nguyên liệu lại đang hiện hữu" - Bà Đỗ Thị Thúy Hương chia sẻ.
Nói về nguyên nhân các sản phẩm điện tử, laptop gần đây đã tăng giá 5 - 10%, đại diện Công ty CP Thương mại Tổng hợp và Xuất nhập khẩu TVH cho biết, do nguồn cung linh kiện không đủ, đặc biệt việc thiếu hụt chip, nhất là thiếu bộ vi xử lý hình ảnh, đồ họa GPU đã "vô hình" khiến chi phí đầu vào của thiết bị đội lên cao. Kéo theo các sản phẩm máy tính trên thị trường vừa khan hiếm, vừa buộc phải tăng giá.
Còn theo ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (cơ sở tại Hà Nội), trong suốt 17 năm sản xuất và cung ứng dây chuyền tự động hóa và máy móc tự động cho các doanh nghiệp, chưa bao giờ công ty gặp khó khăn về nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện như hiện nay. Giá nguyên liệu tăng cao, một số linh kiện không thể thay thế bằng những sản phẩm khác cùng loại cũng khiến chi phí sản xuất tăng.
“Chúng tôi đang rất cố gắng để hoàn thành các đơn hàng theo yêu cầu của đối tác nhưng vẫn có nguy cơ bị phạt hợp đồng nếu thời gian thực hiện bị kéo dài” - ông Đặng Thanh Bình chia sẻ.
Cũng gặp nhiều khó khăn, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ rõ, việc linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất được những sản phẩm giản đơn như băng keo dán kính chắn gió, nhãn tiêu thụ năng lượng, tem đăng kiểm, tem nhiên liệu, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp không săm, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí…
Cần nội hóa nguyên liệu sản xuất
Theo các chuyên gia, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất nên nhiều doanh nghiệp hiện nay phải hoạt động cầm chừng, khoảng từ 70 - 80% công suất nhà máy. Thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước nguy cơ lỗ vốn, đền bù hợp đồng do chi phí sản xuất tăng cao.
Đứng trước những thách thức trên, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa chi phí, áp dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường nhập khẩu. Việc đầu tư nguồn nguyên liệu từ nội địa cũng là giải pháp được các doanh nghiệp hướng đến. Từ đó, sẽ giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất cũng như chi phí vận chuyển, thời gian chờ đợi và giá thành sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều.
Để nâng cao trình độ, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương chỉ rõ, cần bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 3 miền cho các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Các Trung tâm này có vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.
Đồng thời, bố trí đủ nguồn kinh phí để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, có thời hạn đến năm 2025. Đồng thời, nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương trong xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Một trong những địa phương phát triển tốt các ngành này phải kể tới Bình Dương. Thời gian qua, tại Bình Dương đã tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt), ngành cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc, thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô); ngành điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)... Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương đã hình thành Khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại khu công nghiệp này với các nhà máy có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.