Cần nhiều giải pháp đồng bộ để "hóa giải" khó khăn cho doanh nghiệp

Nguyễn Mai Thanh

Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn như khó khăn về dòng tiền, đơn hàng, tiếp cận vốn vay...

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đứng đầu là khó khăn về đơn hàng.
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đứng đầu là khó khăn về đơn hàng.

Theo cáo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, cả nước có 13,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong tháng 7, có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% và tăng 19%; có 1.581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,7% và giảm 10,5%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt mức 113,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng trong 7 tháng qua cho thấy khó khăn vẫn "bủa vây" doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đang phải đối diện với 3 nhóm khó khăn lớn nhất là khó khăn về dòng tiền, khó khăn liên quan đến thị trường và khó khăn về vấn đề lãi suất.

Kết quả khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng cho thấy, trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cũng chỉ ra các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó đứng đầu là khó khăn về đơn hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, những vấn đề doanh nghiệp, nền kinh tế đang phải đối mặt hiện nay rất khác biệt so với giai đoạn 2008-2013, được cộng hưởng bởi tác động nhanh, mạnh, cùng thời điểm của nhiều yếu tố, như: nền kinh tế có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng mạnh từ bên ngoài; năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn do tác động kéo dài của dịch COVID-19; chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt, làm giảm nhu cầu tại các thị trường lớn của nước ta, gây áp lực lên tỷ giá…

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị cần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; Cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp; Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay dễ dàng, thuận lợi hơn; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

"Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần quán triệt, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng được một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thật cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng, năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng phải được nâng lên, thông qua hệ thống pháp luật, thông qua đội ngũ cán bộ, thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra và cả công cuộc phòng chống tham nhũng. Việc thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và thực hiện các biện pháp khác, kể cả việc an sinh xã hội cũng rất cần thiết", TS. Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.