Cần rà soát, hoàn thiện chính sách thuế bất động sản để điều chỉnh phù hợp trong từng bối cảnh
Hiện nay, cải cách thuế bất động sản đã và tiếp tục trở thành một nội dung quan trọng trong lộ trình cải cách thuế ở nhiều quốc gia nhằm thích ứng với các điều kiện thay đổi của kinh tế - xã hội cũng như tiến trình phân cấp ngân sách trong nhiều thập niên qua.
Vai trò của chính sách thuế
Ngày 29/10, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học "Thực tiễn áp dụng chính sách thuế bất động sản ở các nước và kiến nghị cho Việt Nam".
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thuỳ Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, thuế bất động sản là một trong những loại thuế xuất hiện sớm nhất và đang được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Thuế bất động sản góp phần bổ sung cùng thuế thu nhập trong việc tái phân phối của cải xã hội, giảm bớt chênh lệch về bất động sản giữa các cá nhân, các tầng lớp dân cư, động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà, đất. Thuế bất động sản được áp dụng ở các nước nhằm đảm bảo công bằng xã hội, công khai, minh bạch và tăng cường quản lý việc sử dụng bất động sản, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Theo bà Lê Thị Thuỳ Vân, hiện nay, cải cách thuế bất động sản đã và tiếp tục trở thành một nội dung quan trọng trong lộ trình cải cách thuế ở nhiều quốc gia nhằm thích ứng với các điều kiện thay đổi của kinh tế - xã hội cũng như tiến trình phân cấp ngân sách trong nhiều thập niên qua. Trong quá trình cải cách thuế bất động sản các nước thường xác định mục tiêu rõ ràng liên quan đến vấn đề quản lý thị trường bất động sản; đảm bảo công bằng xã hội; khắc phục những vướng mắc phát sinh của các quy định hiện hành; tạo lập nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao có nêu nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai như sau: “Rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp…”
Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 cũng đã có những thay đổi lớn trong chính sách về đất đai và nhà ở nói chung, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới.
Nội dung chính của thuế bất động sản được các quốc gia chú trọng sửa đổi, bổ sung bao gồm: đối tượng chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất. Đồng thời, khi thực hiện điều chỉnh thuế bất động sản, các quốc gia đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá trên nhiều khía cạnh để phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Tại Việt Nam, hệ thống chính sách thuế đối với sử dụng đất tại Việt Nam bao gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Về cơ bản, chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai.
Tuy nhiên, trên thực tế, do sự biến động nhanh của kinh tế chính trị thế giới nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế sử dụng đất còn một số hạn chế (như chưa bao quát được nguồn thu, mức động viên còn thấp...), do đó, cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong từng bối cảnh.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế bất động sản
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, đất đai là sở hữu toàn dân cho Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Đất đai là điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người; và là nguồn lực to lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc quản lý để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai là đòi hỏi tất yếu để xây dựng và phát triển đất nước.
Thực tế cho thấy, chính sách thuế bất động sản tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế, với vai trò phân phối lại nguồn lực tài chính từ đất đai có tác động to lớn đến hành vi sử dụng đất đai, có tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng đất đai. Chính sách thuế bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ và là trung tâm của các chính sách về đất đai. Yếu tố cốt yếu của chính sách thuế bất động sản là phải xác định đúng cơ cấu và nguồn gốc tạo ra giá trị của đất đai và tài sản gắn với đất đai để có cách thức điều tiết công bằng đối với các chủ thể có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và đảm bảo lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai.
“Ở hầu hết các quốc gia, thuế bất động sản tuy không chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách nhà nước nói chung song lại là một nguồn thu đáng kể của chính quyền địa phương. Việt Nam đang tiếp tục cải cách hệ thống thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế bất động sản ở Việt Nam sẽ hữu ích hơn khi dựa trên nền tảng cơ sở lý luận vững chắc, tức là những quy luật có tính khái quát cao trên cơ sở thông lệ quốc tế”, PGS. TS. Lê Xuân Trường nhận định.
Thông tin cụ thể về các chính sách thuế, điều tiết thu ngân sách nhà nước liên quan đến bất động sản hiện hành, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, chính sách điều tiết thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và các khoản thu điều tiết khác đối với bất động sản đã được đề cập đến nhiều lần, nhiều năm qua. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp về thuế trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước. Cùng với đó, từ Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai cũng đặt ra yêu cầu xây dựng chế độ điều tiết bất động sản phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, trên cơ sở nghiên cứu xu hướng cải cách chính sách thuế bất động sản ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, đánh giá thực trạng chính sách thuế về nhà và đất hiện nay của Việt Nam; cùng với thực trạng hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản thì cần thiết phải hướng đến xây dựng chính sách điều tiết thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước đối với bất động sản hướng đến minh bạch, công bằng, hiệu quả.
Trên cơ sở hệ thông chính sách thuế, phí hiện hành đã có 5 Luật (Luật thuế sử đất nông nghiệp, Luật thuế sử đất phi nông nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân) và 2 Nghị định (Nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuế đất và Nghị định về lệ phí trước bạ), cần thực hiện tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách điều tiết hiện hành liền quan đến nhà, đất, bất động sản hiện hành theo từng sắc thuế, từng khoản thu. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm thế giới về chính sách điều tiết bất động sản theo khu vực: châu Á, châu Âu; các nước phát triển, đang phát triển theo từng giai đoạn lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ TTg ngày 23/4/2022 và Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Việc này nhằm xây dựng chính sách điều tiết đối với bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Hệ thống chính sách điều tiết hiện hành tại Việt Nam liên quan đến bất động sản bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Lệ phí trước bạ; Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân.