Cần tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích


Sáng 13/4, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng".

Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng" - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng" - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định: "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng".

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: "Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia".

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Đảng ta xác định rõ quan điểm: "Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại".

Lực lượng vật chất quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu, là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đã tập trung phân tích về vai trò của kinh tế nhà nước (KTNN) nói chung và đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng nói riêng; thực trạng vai trò của KTNN trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trên cơ sở hoạt động thực tiễn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để KTNN thực hiện tốt vai trò của mình, bảo đảm vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế quốc dân.

Các ý kiến khẳng định KTNN giữ vị trí trọng yếu, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển mọi ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò của khu vực KTNN hết sức quan trọng, vừa làm đầu tàu dẫn dắt sự phát triển, vừa là công cụ kinh tế quan trọng để Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế, đảm bảo đúng định hướng.

Vai trò chủ đạo của KTNN thể hiện rõ bản chất, đặc trưng của nền KTTT định hướng XHCN, hoàn toàn khác với KTTT ở các nước tư bản chủ nghĩa, được xây dựng trên cơ sở sở hữu tư bản độc quyền. 

Vai trò chủ đạo của KTNN xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 

Trong khu vực KTNN, doanh nghiệp Nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. 

Doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Với vai trò đó, những năm qua, KTNN đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam. 

Nổi bật là đóng vai trò công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường trong xây dựng nền kinh độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc.

Đồng thời, KTNN là lực lượng nòng cốt thực thi các chính sách kinh tế dài hạn; là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế quốc dân; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, hướng tới hiệu quả. 

KTNN nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, là cơ sở bảo đảm cho nền kinh tế phát triển độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng KTNN giữ vai trò chủ đạo không chỉ là sự định hướng phát triển nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà còn giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế

Nhiều ý kiến đề xuất để KTNN có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cần có sự tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích. Trong nền kinh tế thị trường, sự tách bạch giữa hoạt động công ích của Nhà nước và hoạt động kinh doanh cần phải rõ ràng. 

Về nguyên tắc, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp công ích có mục tiêu tối đa hóa lợi ích xã hội. Nếu có sự tách bạch thì mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ minh bạch, đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mới chính xác.

"Phải có sự tách bạch. Giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp Nhà nước phải có sự đa dạng về cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước có thể hoàn thành tốt nhất vai trò của mình cả về nhiệm vụ chính trị, cả về nhiệm vụ kinh tế", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu.

Một số ý kiến nhấn mạnh, đối với DNNN, cần tách chức năng sở hữu doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, tách bạch chức năng kinh tế với chức năng xã hội để doanh nghiệp nhà nước thực sự hoạt động năng động, sáng tạo, hiệu quả trong môi trường kinh tế thị trường.

Đi liền với đó là đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, vươn ra thị trường thế giới; đưa doanh nghiệp nhà nước thực sự giữ vị trí, vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề nghị, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước. Đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Ở góc độ khác, GS. Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, cần có giải pháp hiệu quả và đồng bộ hơn nữa về đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và quản trị doanh nghiệp như năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Nhà nước cũng cần tiếp tục có cơ chế đầu tư, khuyến khích khu vực KTNN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi số, ứng dụng những thành tựu của công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…

Ngoài ra, để phát huy vai trò của KTNN trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ nhân lực chuyên môn, kỹ thuật lành nghề, quản trị kinh doanh, lãnh đạo, quản lý các cấp trong cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Nguyễn Hoàng/baochinhphu.vn