Cần thống nhất một đầu mối quản lý nợ công

PV.

Sáng ngày 16/6/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội. Nguồn: internet
Sửa đổi Luật Quản lý nợ công là cần thiết
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo vững chắc công cụ quản lý nợ công, đảm bảo đúng quy định pháp luật có liên quan và nghiên cứu phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, về rà soát quy định của pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính đã rà soát 24 luật liên quan và sẽ tiếp tục rà soát để tránh sự chồng chéo.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về phạm vi nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, phạm vi nợ công bao gồm nợ trực tiếp của Chính phủ, bao gồm của cả trung ương và địa phương.

Về nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng cho biết, phạm vi nợ công đã tính vào khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh.

Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả, DNNN là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động bình đẳng với các DN khác theo quy định và được quản lý theo Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và DN.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ tính nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công nếu đủ 3 điều kiện: Chính phủ sở hữu 50% vốn của DN trở lên; Hoạt động thu – chi của DNNN được kết cấu trong dự toán ngân sách hàng năm và Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp DN mất khả năng trả nợ.
"Qua khảo sát 40 nước và nhóm nước, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công." - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng giải trình, nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm thực hiện chính sách tiền tệ cũng không thuộc nợ công vì NHNN Việt Nam thực hiện vai trò là Ngân hàng Trung ương, thực thi chính sách tiền tệ, đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán. Bản chất của việc phát hành này là thực hiện nghiệp vụ thị trường mở để điều hòa cung ứng tiền tệ.
Riêng Ngân hàng chính sách, Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu, việc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ và cũng tính vào nợ công.
Thống nhất đầu mối quản lý nợ công
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc quy định rõ một đầu mối quản lý nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trích dẫn kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này: tại Ngân hàng thế giới có 185 thành viên, trong đó Bộ trưởng Tài chính đóng vai trò Thống đốc tại Ngân hàng thế giới là 118 nước. Thống đốc ngân hàng trung ương đóng vai trò Thống đốc tại Ngân hàng thế giới là 6 nước trong đó có Việt Nam và Lào. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, các bộ khác là 61 nước.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Châu Á (ADB) có 67 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài chính đóng vai trò Thống đốc là 48 nước. Thống đốc Ngân hàng Trung ương đóng vai trò Thống đốc tại ADB là 5 nước, trong đó có Việt Nam và các cơ quan khác là 13 nước.
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Tài chính là đưa quản lý nợ công về một đầu mối. Đầu mối ở đây được Bộ trưởng chia sẻ có thể là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ... đều được. Chỉ cần Chính phủ phân công, có chủ trương thì quyết thành hành động.