Cần xác định rõ nguyên nhân GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%
Trong khuôn khổ kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, chiều ngày 30/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương về phát triển kinh tế xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động, đặc biệt trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn dân, KTXH đã tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng giảm, thị trường ngoại tệ ổn định.
Tính đến hết tháng 6, cả nước đã có 54.501 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước số DN tăng 20%; số vốn đăng ký tăng 51,5%. Có 14.092 DN trước đây phải tạm ngừng SXKD thì nay đã hoạt động trở lại, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với tháng 12/2015, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,23%; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,2%. Việc người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu rời bỏ Liên minh châu Âu có tác động đến tỷ giá nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép.
Về thu, chi ngân NSNN, 6 tháng đầu năm tổng thu ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi NSNN ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm đạt 618,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về cổ phần hoá, thoái vốn DNNN, tính đến ngày 28/6 đã cổ phần hoá 38 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá của 63 DN, đang xác định giá trị của 77 DN, đã công bố giá trị của 28 DN. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Hà Nội thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại DN, thu về 2.710 tỷ đồng, gấp gần 3,1 giá trị sổ sách là 871,6 tỷ đồng.
Bên cạnh những dấu hiệu khả quan thì kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm cũng còn nhiều thách thức. Nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,52%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Một số ngành như công nghiệp khai khoáng, nông lâm nghiệp thủy sản tăng trưởng âm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm kinh tế cần tăng trưởng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện nay không còn nhiều dư địa trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thảo luận, xác định nguyên nhân GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 5,52%, từ đó đưa ra giải pháp để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá lại hiệu quả việc thực hiện các chủ trương này trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương, bởi đây là điều kiện quan trọng tạo cơ sở giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Cùng với đó, các địa phương cũng cần tự nhìn nhận hiệu quả từ công tác quản lý điều hành, đánh giá mức độ hiệu quả của bộ máy chính quyền đã thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.