Cần xây dựng chính sách “hậu kiểm” doanh nghiệp xuyên suốt
Hiện nay, công tác quản lý doanh nghiệp đang chuyển dần từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn chậm chạp, cần có sự đổi mới hơn nữa từ chính sách đến triển khai thực hiện.
Công tác “hậu kiểm” ngày càng được quan tâm
Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã thiết lập một cơ chế quản lý mới trong đăng ký doanh nghiệp, đó là chuyển đổi từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm”. Sau gần 20 năm, thủ tục đăng ký doanh nghiệp liên tục được đơn giản hóa, hợp nhất với thủ tục đăng ký thuế, rút ngắn thời gian giải quyết từ 15 ngày theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 xuống 3 ngày theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thực tế cho thấy, công tác “hậu kiểm” doanh nghiệp ngày càng nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Ngày 11/04/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV, ngày 28/05/2015 ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong những năm qua đang tăng lên đáng kể. Nếu như trong thập niên 1990, cả nước có khoảng 44.000 doanh nghiệp ra đời, đến năm 2017, cả nước có gần 127.000 doanh nghiệp mới đăng ký gia nhập thị trường, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập lên hơn 1 triệu doanh nghiệp, đóng góp phần quan trọng vào huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Song cần chú trọng chất lượng “hậu kiểm”
Tuy bước đầu đã xây dựng được một số chính sách “hậu kiểm”, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật vẫn xảy ra phổ biến, đã và đang làm giảm kỷ cương của pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường sinh thái… Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy manh hoạt động “hậu kiểm”, thì việc nâng cao chất lượng hoạt động này cần được chú trọng. Để thực hiện tốt công tác này, cần:
Chính phủ cần tổ chức lại hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong công tác “hậu kiểm”, vừa đảm bảo sự thống nhất, vừa đảm bảo sự phân định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm , Chính phủ cần phân công nhiệm vụ “hậu kiểm” cho các bộ, ngành, các cơ quan quản lý địa phương một cách rõ ràng, không chồng chéo, không để khoảng trống, để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh đều có cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý.
Song song với việc phân định thẩm quyền và trách nhiệm, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt chia sẻ thông tin về doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác “hậu kiểm” doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ nắm bắt, thực hiện một cách nhất quán, minh bạch, pháp luật chuyên ngành cần quy định rõ ràng, cụ thể.
Tránh tình trạng diễn đạt có nhiều cách hiểu khác nhau. Cùng với đó, cần tăng khung hình phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm, tránh tình trạng doanh nghiệp không sợ bị xử phạt, thậm chí còn sẵn sàng chịu xử phạt, vì mức xử phạt trong một số trường hợp thấp hơn lợi ích mà doanh nghiệp có được khi thực hiện hành vi vi phạm.