Góp phần nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công

Minh Hằng

Là cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN), Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%). Hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Trong đó, có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%).

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2 tháng đầu năm 2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là trong tháng 1, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31/1/2022 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2 và dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2022 do chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án; thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 sau khi các dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với toàn ngành Tài chính, ngay từ đầu năm 2022, KBNN đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 trong toàn hệ thống với 11 nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, để góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nguồn NSNN, KBNN cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn.

Đồng thời, thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương để thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, với phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ”, KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống phải đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến KBNN; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư; tuyệt đối không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do.

KBNN cũng nghiêm cấm việc lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân, làm chậm quá trình chi NSNN và ảnh hường đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.