Chậm tổ chức đại hội đồng cổ đông: Xử lý thế nào cho thỏa đáng?
Tính đến thời điểm hiện tại, mùa đại hội đồng cổ đông thường niên đã đi qua gần một tháng nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp "đến hẹn chẳng lên". Điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Theo quy định, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên phải tổ chức trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Với quy định trên, các doanh nghiệp có niên độ tài chính từ 1/1 - 31/12/2019 phải tổ chức ĐHĐCĐ trước ngày 30/4/2020.
Trường hợp doanh nghiệp muốn gia hạn, thời hạn tổ chức không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và phải gửi công văn xin gia hạn đến Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố. Có nghĩa là, doanh nghiệp có thể xin gia hạn nhưng không được quá thời điểm 30/6/2020 đối với doanh nghiệp có năm tài chính từ 1/1 - 31/12/2019.
Muôn hình vạn trạng lý do
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) vừa phát đi thông báo tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên lần 2 dự kiến vào ngày 29/7 tới sau khi tổ chức bất thành cả ĐHĐCĐ thường niên và ĐHĐCĐ bất thường ngày 30/6.
Dù lựa chọn đúng ngày cuối cùng theo quy định để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, nhưng do tỷ lệ cổ đông tham dự thấp hơn 65% tổng số cổ phần biểu quyết nên không đủ điều kiện để tiến hành theo Điều lệ của Eximbank.
Cũng có cột mốc là ngày 29/7, nhưng đối với CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (Kigimex, mã: KGM) lại là ngày đăng ký cuối cùng để tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Với kế hoạch này thì chắc chắn phải sang tháng 8, Kigimex mới có thể tổ chức ĐHĐCĐ.
Lý giải cho việc hoãn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Kigimex cho biết, là để công ty có thêm thời gian chuẩn bị đầy đủ và chu đáo hơn các nội dung để trình ĐHĐCĐ. Trước đó, cũng với lý do tương tự, Kigimex đã huỷ phiên đại hội dự kiến tổ chức hồi tháng 6.
Mới đây, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng đã có thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu của công ty mẹ vào ngày 8/8 để chính thức chuyển sang mô hình CTCP.
Trước đó, thời điểm dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ của Vinalines lần lượt là quý I/2019, quý II/2019 (24/6/2019) và tháng 7/2019, nhưng đều bất thành. Đây là lần thứ 4, doanh nghiệp này ấn định thời gian để chuyển đổi sang mô hình mới.
Nguyên nhân của việc chậm trễ được ông Tĩnh cho biết là do việc phê duyệt quy mô và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Vinalines phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Sau đó, Tổng công ty phải chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp.
Thực tế có muôn vàn lý do mà doanh nghiệp có thể đưa ra để giải thích cho việc chậm tổ chức ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn có doanh nghiệp "đổ lỗi" cho Covid-19 diễn biến phức tạp nên xin gia hạn họp ĐHĐCĐ là một điều khá bất thường.
Cụ thể ở đây là trường hợp của CTCP Bao bì Tiền Giang (mã: BTG). Dù hồi tháng 4/2020, Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang đã đồng ý gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ cho doanh nghiệp đến hết tháng 6/2020, nhưng Bao bì Tiền Giang đã không kịp họp theo đúng thời gian quy định.
Hệ luỵ của sự chậm trễ
Khác với những năm trước, mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với việc phải thực hiện giãn cách xã hội 3 tuần tính từ đầu tháng 4 đã khiến nhiều hoạt động bị đảo lộn, trong đó có việc tổ chức ĐHĐCĐ.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp hoàn thành đúng quy định trước khi bước sang tháng 7. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng khi đã qua 2 quý đầu năm, bước sang cả quý III mà doanh nghiệp mới bắt đầu xin ý kiến cổ đông thông qua kết quả kinh doanh của năm trước cũng như các chiến lược kinh doanh của năm nay là quá muộn và vô lý.
Bởi lẽ, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã gợi mở cho doanh nghiệp chọn hình thức họp ĐHĐCĐ trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn tổ chức ĐHĐCĐ sớm thì vẫn có hình thức khác để doanh nghiệp lựa chọn.
Trên thực tế, kỳ họp này không chỉ đơn thuần thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm để làm cơ sở cho doanh nghiệp triển khai, cũng như các cổ đông giám sát, mà còn là dịp gần như duy nhất trong năm mà cổ đông có cơ hội trực tiếp gặp gỡ ban lãnh đạo doanh nghiệp để chất vấn, làm rõ những vấn đề nóng mà cổ đông, nhà đầu tư quan tâm cũng như các chiến lược kinh doanh mới.
Việc chậm trễ sẽ ảnh hưởng không tích cực đến quyền lợi của cổ đông, tính minh bạch của công ty, thậm chí khiến dư luận đặt câu hỏi về mức độ tôn trọng cổ đông và tuân thủ pháp luật của lãnh đạo.
Trong khi đó, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT, doanh nghiệp không tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên trong thời hạn quy định thì bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đây là một mức phạt được cho là khá nhẹ và không đủ sức răn đe.
Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán đang thiếu một chế tài đủ mạnh để bảo vệ cổ đông nhỏ trước việc doanh nghiệp chậm trễ, thậm chí chây ỳ tổ chức ĐHĐCĐ, mà đôi khi là do những nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp.
Bên cạnh sự nỗ lực của nhà điều hành, cổ đông hay nhà đầu tư cần tận dụng quyền khiếu nại, kiến nghị, thậm chí khởi kiện đến cơ quan quản lý để giám sát việc các công ty hoãn, chậm tổ chức ĐHĐCĐ.